Trang

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

5P của Mark Zuckerberg

Khi Mark Zuckerberg, nhà sáng lập mạng xã hội Facebook, trở thành người giàu thứ 29 trên thế giới và tỷ phú tự tay gây dựng cơ đồ trẻ thứ nhì trong năm 2012, nhiều người cảm thấy vừa ấn tượng lại vừa hồ nghi.


Bìa cuốn sách “Think Like Zuck: The Five Business Secrets of Facebook's Improbably Brilliant CEO Mark Zuckerberg” (Tạm dịch: “Nghĩ như Zuck: 5 bí mật kinh doanh của vị CEO Facebook lỗi lạc Mark Zuckerberg) của tác giả Ekaterina Walter

Nhìn bề ngoài, Zuckerberg không có những biểu hiện của một doanh nhân điển hình, nhưng có một điều chắc chắn là không ai có thể ngẫu nhiên xây dựng được một trang web với 1 tỷ người sử dụng.

Trang CNBC cho biết, trong cuốn sách mang tựa đề “Think Like Zuck: The Five Business Secrets of Facebook's Improbably Brilliant CEO Mark Zuckerberg” (Tạm dịch: “Nghĩ như Zuck: 5 bí mật kinh doanh của vị CEO Facebook lỗi lạc Mark Zuckerberg), tác giả Ekaterina Walter đã nói về những bí quyết đi tới thành công của tỷ phú trẻ tuổi này, gói gọn trong 5 từ bắt đầu bằng chữ “P”, bao gồm Passion (niềm đam mê), Purpose (mục đích), People (con người), Product (sản phẩm), và Partnerships (đối tác).

Niềm đam mê

Điểm chung của tất cả những vị CEO thành công nổi tiếng trên thế giới như Mark Zuckerberg của Facebook, Richard Branson của Virgin, Tony Hsieh của Zappo, Blake Mycoskie của TOMS, hay James Dyson của Dyson là họ đều có niềm đam mê lớn. Đối với Zuckerberg, niềm đam mê đó là kết nối mọi người.

“Nhiều nguyên tắc nền tảng của Facebook là nếu mọi người được tiếp cận nhiều hơn với thông tin và được kết nối nhiều hơn, thì thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn, mọi người sẽ hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn. Đó là nguyên tắc chỉ đường của tôi”, Zuckerberg từng nói.

James Dyson, CEO của tập đoàn sản xuất máy hút bụi Anh quốc Dyson, là một kỹ sư và nhà thiết kế công nghiệp. Niềm đam mê của ông là thay đổi những thiết kế đã có để làm chúng trở nên tốt hơn. Hiện ông sở hữu giá trị tài sản 2,3 tỷ USD.

Đam mê đem đến cho con người sự kiên nhẫn để đạt tới thành công, cho dù họ có gặp trở ngại gì. James Dyson đã phải tạo ra 5.172 mô hình khác nhau trước khi thiết kế được một chiếc máy hút bụi không túi hoàn hảo.

Bài học rút ra ở đây là, hãy hợp tác và tìm ra những con người có niềm đam mê. Họ chính là những người sẽ chinh phục các đỉnh núi, xoay chuyển tình thế, và đem đến những giải pháp sáng tạo nhất.

Mục đích

Facebook không chỉ là một sản phẩm đơn thuần, đó là cách kết nối xã hội đã thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người. Mục đích của Zuckerberg là tạo ra một thế giới cởi mở, minh bạch hơn và tạo ra kết nối giữa mọi người.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có tầm không chỉ bán sản phẩm, họ đem tới những cách thức mới cho các vấn đề, và đó là mục đích mà công ty của họ hướng tới.

Khi Blake Mycoskie thành lập công ty TOMS, sứ mệnh của ông không phải là để sản xuất giày mà là để giúp đỡ trẻ em ở các nước đang phát triển. Với mục đích như vậy, TOMS đến nay đã tài trợ hàng triệu đôi giày cho trẻ em ở hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Tất cả những việc mà Facebook làm, từ những nhân viên mà công ty này tuyển dụng, cho tới dịch vụ khách hàng mà công ty cung cấp, môi trường làm việc của công ty, cách thức tung ra các sản phẩm mới… đều dựa trên mục đích rõ ràng được truyền tải tới mọi cấp trong công ty.

Tác giả Ekaterina Walter cho rằng, để đạt tới thành công, mỗi công ty cần hiểu rõ được mục đích tồn tại của mình và đi theo mục đích đó mỗi ngày.

Con người

Một nhà lãnh đạo có thể có tầm nhìn, nhưng văn hóa của một công ty được xây dựng dựa trên đội ngũ nhân viên của công ty đó. Khi tuyển dụng nhân sự, Facebook không chỉ chọn những người giỏi nhất cho công việc, mà còn chọn những người phù hợp với văn hóa của công ty.

“Hacker Way” (phong cách hacker) là thứ thống trị ở Facebook. Đó là phương pháp sáng tạo nhanh chóng và liên tục mà tất cả mọi nhân viên cùng theo đuổi.

Cấu trúc quản lý dạng phẳng của Facebook đồng nghĩa với việc nhân viên được trao quyền lực để tạo ra những thay đổi và xây dựng ý tưởng của họ. Nhân viên Justin Rosenstein từng miêu tả Facebook: "Một công ty với 60 kỹ sư mà làm được những việc mà những nhóm 600 người không thể làm được… Đó là sự tổng hòa gọn gàng của chiến lược từ trên xuống và phát triển sản phẩm từ dưới lên ở Facebook”.

Bài học ở đây: Tìm đúng người, những người có niềm đam mê đối với mục tiêu mà công ty đề ra, những người sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng của họ để giúp công ty thành công. Sau đó, để cho họ tự do đưa ra quyết định và trao quyền cho họ dấn thân vào những rủi ro.

Sản phẩm

Một thiết kế sản phẩm đơn giản và đẹp mắt là đã đủ để hãng Apple có chìa khóa cho sự thống lĩnh thị trường. Tương tự, Facebook đã luôn phấn đấu để xây dựng “sản phẩm tốt nhất và đơn giản nhất để mọi người chia sẻ thông tin dễ dàng nhất”, Zuckerberg từng nói.

Facebook liên tục tinh gọn quy trình chia sẻ thông tin đó, và điều này thúc đẩy những sáng kiến lớn nhất của họ trong những năm qua.

Zuckerberg đặt trọng tâm vào sản phẩm trước rồi mới lo tới vấn đề doanh thu. Anh thậm chí đã từ chối lời chào mua Facebook 1 tỷ USD từ Yahoo vào năm 2006 vì anh quyết tâm đem sản phẩm của mình tới mọi người trên thế giới.

Bài học: Những công ty thành công nhất thế giới chú trọng sản phẩm trước đã, rồi mới đến doanh thu.

Đối tác

Một trong những thế mạnh then chốt của Zuckerberg với vai trò lãnh đạo là anh biết những hạn chế của anh. Việc chiêu mộ Sheryl Sandberg, Giám đốc hoạt động của Facebook, theo Zuckerber “là trung tâm của tăng trưởng và thành công của chúng tôi qua các năm”.

Thiết lập được mối quan hệ đối tác đúng đắn, có thể là với các nhà đầu tư, ê kíp quản lý, hoặc nhà cung cấp, đều có ý nghĩa quan trọng đối với bất kỳ công ty nào.

Việc có các đối tác đúng đắn ở bên giúp Zuckerberg tự do phát huy thế mạnh của mình, bao gồm trí tưởng tượng, sự sáng suốt, và tầm nhìn. Mọi công việc lãnh đạo công ty để đạt tới thành công về tài chính đều giao cho Sandberg. Đó là một quan hệ đối tác hiệu quả.

Bài học ở đây là, không ai giỏi tất cả mọi thứ. Hãy tìm những đối tác tin tưởng vào sứ mệnh của bạn và bổ sung cho các kỹ năng của bạn.

Với vai trò một nhà lãnh đạo công ty, Zuckerberg đã đưa tầm nhìn của anh vào mọi khía cạnh của Facebook, từ văn hóa làm việc, cách sáng tạo không ngừng nghỉ, các mối quan hệ đối tác và các vụ thâu tóm.

Anh có thể không phải là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp truyền thống, nhưng niềm tin không thể lay chuyển của anh vào sứ mệnh của Facebook và tầm nhìn dài hạn của anh đã đóng vai trò then chốt cho sự thành công của mạng xã hội này.

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Ưu tiên cho email, mạng xã hội và di động

"Marketing Trends Survey 2013" dựa trên kết quả khảo sát 1.002 quản lý kinh doanh và marketing trên thế giới.



Kết quả cho thấy, trong năm nay, các nhà tiếp thị vẫn lên kế họach tăng ngân sách cho các chiến dịch marketing: có đến 89,1% có kế hoạch tăng ngân sách hay ít nhất là duy trì ngân sách, giảm nhẹ so với con số 92% của năm ngoái.

Ngược lại, các nhà marketing tỏ ra kém mặn mà với các kênh marketing truyền thống như PR (13,9%) và mail trực tiếp (15,4%). Dưới đây là xu hướng marketing trong năm 2013:

Phần lớn các nhà tiếp thị đều tăng ngân sách cho các chương trình email marketing tập trung cho các kênh truyền thông xã hội. Thêm vào đó, khoảng 2/3 các nhà tiếp thị tập trung vào các chiến dịch xúc tiến quảng cáo theo lô (38,8%), chương trình mail theo chu kỳ (36,6%) và bản tin (34,7%). Email cam kết (63,3%) là hình thức phổ biến nhất của chiến dịch email theo chu kỳ, tiếp theo là email chào mời (59,8%), email làm mới và thay thế (36,9%).

Hơn một nửa các nhà tiếp thị cho rằng, tương tác với người đăng ký nhận bản tin là mục tiêu hàng đầu của chiến dịch email marketing của họ trong năm 2013; 48% muốn cải thiện việc phân khúc khách hàng/định vị khách hàng và 33% tập trung phát triển danh sách người nhận email.




Ngoài ra, gần 65% các nhà marketing nói rằng họ có dự tính cho việc tích hợp social media và email trong năm 2013, tăng lên 65% so với 44% của năm ngoái.

Trong hạng mục ngân sách cho xã hội, các nhà tiếp thị đầu tư khá rộng: Phần lớn có kế hoạch tăng chi tiêu cho các chương trình marketing trên Facebook; 26,5% cho công nghệ quản lý truyền thông mạng xã hội; 23,6% vào các chiến dịch tiếp thị truyền miệng; và 23,3% cho các chương trình Twitter, Pinterest.

Các nhà tiếp thị đã xếp hạng Facebook là kênh truyền thông xã hội giá trị nhất. Tiếp sau đó lần lượt là Twitter, YouTube, LinkedIn, Google+, Pinterest, Instagram và Yelp. Nhận thức của người tiêu dùng là lợi ích hàng đầu của marketing mạng xã hội. Lòng trung thành và được nhắc nhớ của người dùng là lợi ích thứ hai, tiếp theo là lợi ích tiếp cận khách hàng mới.

Với mobile marketing, các nhà marketing chọn ứng dụng trên thiết bị di động (39,1%) và quảng cáo trên thiết bị di động là ưu tiên hàng đầu trong năm 2013, theo sau là SMS alert (21,3%) và marketing theo vị trí (16,3%).

Lưu ý khi chọn đối tác làm PR

Việc chọn lựa một công ty truyền thông hỗ trợ công việc PR cho doanh nghiệp có thể không dễ dàng vì không mấy chuyên gia PR dám đảm bảo rằng các hoạt động quảng bá sẽ tạo ra một kết quả đúng như kỳ vọng, đó là chưa nói tới chi phí thực tế có thể vượt quá dự kiến ban đầu.



Để tìm được một đối tác PR hiệu quả, doanh nghiệp phải thật sự thông hiểu năng lực của công ty nhận làm PR bằng cách đặt ra những câu hỏi sau đây.

Làm thế nào đo lường thành công của một đợt quảng bá?

Số lượng “Like” trên trang Facebook hay mức độ xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông thường được các công ty PR dùng làm thước đo.

Vì vậy, nên dạm hỏi thêm “độc chiêu” có thể giúp doanh nghiệp bạn thực sự tăng trưởng, chẳng hạn số lượng khách hàng tiềm năng gửi email hoặc truy cập website của doanh nghiệp đã gia tăng được bao nhiêu từ khi tung ra chương trình PR.

Phương tiện truyền thông nào vươn được đến nhóm khách hàng tiềm năng?

Công ty PR cần phải biết chính xác đâu là tờ nhật báo hoặc website giúp doanh nghiệp đến với nhóm khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả nhất. Công ty PR nào có kinh nghiệm trên cả hai lĩnh vực truyền thông truyền thống và truyền thông kỹ thuật số thường có lợi thế hơn.

Những chương trình PR nào đã được công ty thực hiện trong lĩnh vực mà chúng tôi quan tâm?

Sẽ thuận lợi nếu tiếp cận được với công ty PR có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động.Được như vậy, hãy đề nghị cho biết kết quả của một vài chương trình mà họ đã thực hiện cho các khách hàng. Ngoài ra, nên hỏi nhân viên nào đã từng trực tiếp thực hiện các công đoạn cụ thể để trao đổi thêm với người ấy.

Ai sẽ đảm trách trực tiếp tài khoản công ty tôi?

Khi các công ty PR tự giới thiệu, họ thường cử những nhân viên tài năng nhất trình bày.

Còn trên thực tế, những người được phân công làm các công việc cụ thể cho doanh nghiệp có thể có khả năng không bằng. Do đó, điều quan trọng là biết được ai sẽ là người trực tiếp làm công việc PR cho doanh nghiệp và nên dành nhiều thời gian trao đổi với người ấy trước khi quyết định giao dự án cho công ty PR đã tỏ ra “bén duyên”.

Các dịch vụ cụ thể tiêu tốn bao nhiêu tiền?

Các chuyên gia PR thường cung cấp cho khách hàng một gói dịch vụ dựa trên ngân sách do chính khách hàng cung cấp cho họ. Hãy yêu cầu một bản chiết tính các loại hình công việc cụ thể với mức phí rõ ràng, ví dụ thông cáo báo chí, video, tham luận báo chí và quảng bá truyền thông xã hội…

Nên hỏi xem công ty PR ấy có thực hiện cách thanh toán theo kết quả làm việc không (tức là thanh toán một mức phí thấp ban đầu và chi trả thêm phí hoa hồng dựa trên kết quả thực tế). Cách đó sẽ đảm bảo phía công ty PR cùng có chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp.

Cho biết về kinh nghiệm truyền thông xã hội của công ty?

Đã là công ty PR thì phải thật chuyên nghiệp trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Hãy tìm hiểu xem họ đã làm gì cho khách hàng của mình trên Facebook và Twitter, kết quả thu được ra sao?

Họ đã phát triển những cuộc thi hoặc khuyến mãi tương tác nào trên các trang cộng đồng?Nếu họ chỉ biết đến cách thức truyền thống thì kênh tiếp thị của bạn sẽ mất đi một số cơ hội kinh doanh.

Chúng tôi cần làm gì để quan hệ cộng tác đạt hiệu quả cao nhất?

Không nên đặt hết nhiệm vụ quảng bá cho công ty PR và kỳ vọng ở họ những kết quả tốt đẹp như trong mơ. Dù đã có sự hỗ trợ của họ, doanh nghiệp vẫn cần tham gia vào hoạt động PR của chính mình, dù đó là trên Twitter, Facebook, blog hay bất cứ cuộc trao đổi nào với báo giới.

Sau khi nghe đề xuất từ phía công ty PR, hãy xem xét cụ thể từng đề xuất và cam kết những điều có thể phối hợp thực hiện. Một khi đã cam kết thì nhất định phải giữ đúng lời hứa để tránh những tranh cãi không cần thiết về sau.

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Chiến lược marketing: Học gì từ người Mỹ ?

"Sự thay đổi" trong nguyên lý marketing nên được sử dụng như một nền tảng so với chiến lược marketing tích hợp.Giáo sư Stephen Vargo tại buổi hội thảo Đó là khẳng định của Giáo sư Stephen Vargo đến từ Trường Đại học Tổng hợp Hawaii đưa ra tại Hội thảo Phong cách kinh doanh của người Mỹ với chủ đề "Chiến lược kinh doanh" do Trung tâm Hoa Kỳ (Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội.

Với đề tài "Chiến lược marketing và những thay đổi logic trong marketing", Giáo sư Stephen Vargo đã phân tích từ lý thuyết đến thực tiễn của vấn đề marketing trong việc kinh doanh của người Mỹ. Trong đó, yếu tố sáng tạo trong marketing có thể được phục vụ như một công cụ để thực hiện sự thay đổi này. Cụ thể, các DN không thể thay đổi các nhu cầu ở các cấp khách hàng khác nhau, mà logic này yêu cầu trọng tâm cơ bản là một sự thay đổi trong việc xác định nhu cầu văn hóa của khách hàng.

Nền tảng của sự thay đổi logic trong marketing được liệt kê thành 10 nguyên tắc:
1/ Dịch vụ là cơ sở căn bản của sự trao đổi trong kinh doanh;
2/ Sự gián tiếp trao đổi là vỏ bọc của nền tảng trong kinh doanh;
3/ Hàng hóa là một cơ chế phân phối cung cấp dịch vụ;
4/ Lợi thế cạnh tranh được dựa trên nguồn gốc cơ bản là huấn luyện và đào tạo nguồn lực có sẵn;
5/ Tất cả các nền kinh tế đều là nền kinh tế dịch vụ;
6/ Khách hàng luôn luôn là một đồng tác giả của giá trị thương hiệu;
7/ Các DN không thể cung cấp giá trị của hàng hóa mà chỉ định vị được giá trị của mình;
8/ Luôn quan niệm cung cấp dịch vụ theo định hướng khách hàng và quan hệ;
9/ Tất cả các tác nhân kinh tế và xã hội được sử dụng tối ưu;
10/ Luôn tạo ra giá trị cho riêng mình là sự độc đáo và quyền lợi đi kèm.

Theo TS Vargo, khái niệm cơ bản trong cách suy nghĩ về sự thay đổi logic trong marketing chính là khách hàng luôn luôn đồng tạo dựng giá trị. Nếu khách hàng không nhìn nhận được ích lợi của họ, thì họ sẽ không tham gia sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn.

Cùng với sự phát triển của công nghệ điện tử như hiện nay, mô hình marketing cũng đã có sự thay đổi, do đó, bản thân DN cũng cần có những chiến lược marketing phù hợp để đưa sản phẩm đến được tay người tiêu dùng.

Ngành marketing Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ về tính chuyên nghiệp, điều hành tổ chức, và sự đổi mới sáng tạo. Theo xu hướng phát triển hiện nay, Việt Nam đang hướng sự quan tâm đến 4 lĩnh vực chính: giáo dục; các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; các sản phẩm về thực phẩm và dinh dưỡng; các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Bởi vậy, marketing cần đi trước và định hướng, hỗ trợ cho các DN phát triển được sản phẩm của mình.

Âm nhạc và thương hiệu

Một bản nhạc sôi động vang lên: "Tell me when you will be mine...", với hình ảnh một anh chàng điển trai dù tay lạnh run vẫn cố tìm chai bia Heineken trong thùng đá. Không cần nhiều lời, bạn sẽ nhớ đến thương hiệu Heineken mỗi khi nghe bản nhạc ấy.



Nhiều em bé vẫn nghêu ngao hát bài "Trăm phần trăm, chúng tôi là những con bò” trong quảng cáo sữa tươi 100% của Vinamilk, mặc dù quảng cáo đã được ngừng phát từ vài năm trước. Một bài hát thật dễ thương, có giai điệu rất trẻ thơ, nhắc nhớ mẹ mua sữa Vinamilk mỗi ngày. Đó cũng là một cách nhắc nhớ tuyệt vời về thương hiệu, những câu hát tưởng như vu vơ lại có tác dụng to lớn đến vậy.

"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì..., để gió cuốn đi", bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cất lên trong mẩu quảng cáo Quỹ 6 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo Việt Nam của Vinamilk. Chỉ một câu đọc trầm ấm: "Hãy uống sữa Vinamilk để đóng góp 6 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo trên khắp Việt Nam" cũng làm lòng yêu thương trong mỗi chúng ta trỗi dậy.

Mỗi khi đứng trước kệ hàng, phải phân vân chọn giữa Dutch Lady và Vinamilk, mọi người vẫn thường chọn Vinamilk vì nghĩ rằng mình sẽ đóng góp một phần nhỏ bé cho trẻ em nghèo.

Âm nhạc đã đi vào máu thịt của chúng ta từ những lời ru của mẹ, của bà, từ những âm thanh của cuộc sống: tiếng gà gáy trưa, tiếng rao bán hàng, tiếng sáo diều vi vu..., nó đi vào tâm thức của chúng ta một cách tự nhiên, không chủ đích nhưng rất sâu đậm.

Trong thương hiệu cũng vậy, khi đã xem một phim quảng cáo với hình ảnh và âm nhạc hòa quyện với nhau, âm nhạc thường có vai trò quan trọng hơn, đi vào tâm thức sâu hơn hình ảnh nên khi nghe lại đoạn nhạc quen thuộc, chúng ta sẽ nhớ về thương hiệu được quảng cáo.

Có nhiều loại nhạc khác nhau để bạn có thể sử dụng nhằm truyền tải thông điệp của mình, tùy theo nội dung và hình thức của thương hiệu. Các loại nhạc truyền thống thường được sử dụng cho những thương hiệu có lịch sử lâu đời, các loại nhạc có giai điệu trẻ trung luôn gây được ấn tượng với giới trẻ, thể hiện sức sống mãnh liệt của thương hiệu...

Về mặt thị giác, người tiêu dùng có thể nhận diện thương hiệu bằng hình dáng logo, màu sắc, thiết kế bao bì. Còn với âm nhạc, họ có thể liên tưởng tới thương hiệu qua thính giác và sự liên tưởng này còn mạnh mẽ hơn thị giác rất nhiều vì nó được rung động từ sâu thẳm trong tâm thức.

Khi sử dụng âm nhạc trong thương hiệu, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ từng dòng nhạc và tính cách của những người thích nghe dòng nhạc đó để chọn những dòng nhạc phù hợp với thương hiệu của bạn.

Với rock, âm bass, âm treble, tiếng guitar, tiếng rít của micro tiếng gào thét đầy ngẫu hứng của rocker, tiếng giậm chân, tiếng vỗ tay của người hâm mộ sẽ làm bạn phát điên vì những âm thanh náo nhiệt tưởng như không giai điệu nhưng thật sự làm bạn hứng khởi... Rap, house, electro, hip hop, R&B, mỗi loại thể hiện tâm hồn của một nền văn hóa, một giá trị, một giai đoạn của sự phát triển.

Còn có những dòng nhạc thể hiện sự phóng khoáng, sự tự do, niềm hạnh phúc được sống, được ca hát, được yêu thương. Hãy nghe những bài hát từ Cuba, Afghanistan, Tây Tạng, Mông Cổ, những bài ca chan chứa yêu thương. Một Cuba nóng bỏng, những bãi cát dài, những đồng mía khô, những chàng trai với cặp mông tròn lẳn, những cô gái với bộ ngực căng tròn đầy sức sống ca ngợi tự do, họ hát lên những giai điệu Latin thật trữ tình.

Nghe nhạc của các Khan ở Mông Cổ với những thảo nguyên rộng lớn, những đàn gia súc ồn ào, những tiếng thanh la, tù và lẫn trong tiếng gió, cảm giác như ta đang sống với đất trời. Tiếng vó ngựa đằng xa, tiếng vọng từ những ngọn núi, âm thanh thật sự của thiên nhiên kỳ vĩ, của núi rừng và những người anh hùng trên lưng ngựa, nhạc của Khan, nhạc của mẹ thiên nhiên.

Âm nhạc là liều thuốc thần kỳ mà nếu nhà làm marketing nào biết sử dụng đúng thời gian, ngữ cảnh, định vị thương hiệu sẽ tạo nên sự kết nối diệu kỳ với người tiêu dùng, đi thẳng vào trái tim, làm rung động những nơi thầm kín nhất trong tâm hồn của họ. Âm nhạc nối liền những trái tim.

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Chinh phục khách hàng trong ngành bán lẻ

Làm sao để giữ chân khách hàng? Làm thế nào để doanh nghiệp khác biệt với các đối thủ cạnh tranh trong một môi trường bán lẻ “trăm người bán vạn người mua”?


Theo Ted Hurlbut – một nhà tư vấn chuyên giúp các công ty bán lẻ tăng doanh thu và lợi nhuận thì bí quyết là phải tập trung vào một phân khúc thị trường hẹp và tạo lập những ưu thế riêng trong phân khúc đó, làm cho khách hàng cảm nhận được doanh nghiệp là nơi đặc biệt, thậm chí duy nhất đáp ứng được những nhu cầu của họ.

Khách hàng có thể bước vào một cửa hàng bán lẻ trước tiên vì sự tò mò. Chính sự trải nghiệm tích cực, những kết nối giàu cảm xúc mà họ có được khi đến cửa hàng ấy mới là những yếu tố giữ chân họ và khiến họ quay trở lại thường xuyên. Khi đứng trước các siêu thị, các trung tâm mua sắm cao cấp, khách hàng thường cảm nhận được một điều gì đó mới mẻ, khác biệt mà họ khó có thể bỏ qua.

Chẳng hạn, tiền sảnh những cửa hàng bán lẻ của những nhãn hiệu nổi tiếng như Abercrombie & Fitch và Hollister không giống bất cứ cửa hàng nào khác. Chúng không có cửa vào rộng lớn với những tấm cửa kính trong suốt có thể nhìn thấy bên trong, mà là những chiếc cửa hẹp và những bức tường được trang trí khá tỉ mỉ nhưng chứa đựng nhiều bí ẩn, khơi dậy sự tò mò của những người đi ngang qua.

Đó chỉ mới là một cách làm khác biệt với mục đích tạo ra sự ngạc nhiên và tò mò ban đầu cho khách hàng.Nếu chỉ dừng lại ở đấy, khách hàng có thể bước tiếp mà không vào bên trong vì họ cảm thấy chưa chắc cửa hàng dành để phục vụ mình, có thể không hợp với phong cách của mình.Khách hàng chỉ muốn khám phá những gì đằng sau sự khác biệt đó khi họ “thấy” được mình ở trong đó.

Trong môi trường bán lẻ vốn cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp thường muốn thể hiện sự khác biệt của mình bằng cách đi vào những phân khúc hẹp.Họ không muốn là một nhãn hiệu của mọi khách hàng mà chỉ muốn trở nên quan trọng và có ý nghĩa đối với những khách hàng mục tiêu.Vì vậy, họ không chỉ đầu tư vào việc tìm hiểu những đặc điểm riêng của nhóm khách hàng mục tiêu, mà còn nỗ lực để trở thành một phần gắn liền với đời sống của những khách hàng này.

Các nhà bán lẻ độc lập còn nỗ lực tạo ra một cộng đồng khách hàng có cùng đặc điểm, lối sống, phong cách và thái độ. Để tạo nên cộng đồng khách hàng riêng của mình, họ còn chủ động loại bỏ những khách hàng không có cùng những điểm chung với nhóm khách hàng mục tiêu. Họ quan niệm rằng nhà bán lẻ độc lập không thể bán tất cả mọi thứ cho mọi khách hàng.

Sau đó, họ cố gắng tạo ra sự kết nối trực tiếp với các khách hàng theo cách thu hút riêng. Sự khác biệt có thể được tạo nên bằng nhiều cách khác nhau, nhưng quan trọng nhất là phải tác động được đến cảm xúc của khách hàng. Điều mấu chốt là những gì mà khách hàng cảm nhận được sau khi bước vào cửa hàng, nhìn thấy một món hàng hấp dẫn và bỏ tiền mua, khi đem món hàng đó về nhà thì ngắm nghía nó một lần nữa để nhớ lại cảm xúc khi trong lần đầu tiên nhìn thấy nó, rồi có được cảm xúc mới sau lần sử dụng đầu tiên để khoe với bạn bè, người thân.

Trên thực tế, những khách hàng trẻ đến cửa hàng A&F hay Hollister luôn mong có một điều gì đó mới lạ để có thể khoe với bạn bè vào đầu một ngày mới và đón nhận những lời bình phẩm, khen ngợi. Đối với những khách hàng lớn tuổi hơn trong một môi trường bán lẻ khác thì có thể đó là cảm xúc khi mua được một món đồ gia dụng hay trang trí nội thất độc đáo để rồi luôn hứng thú đem khoe với khách đến chơi nhà.

Để gây được ấn tượng tích cực và lâu dài cho khách hàng, doanh nghiệp phải tạo ra được sự phản ứng giàu cảm xúc.Cảm xúc chính là yếu tố làm cho khách hàng dễ nhớ, nhớ lâu và khiến họ quay trở lại cửa hàng bán lẻ.Có rất nhiều cách để tạo ra kết nối cảm xúc với khách hàng, nhưng ấn tượng đầu tiên là quan trọng nhất. Ấn tượng đầu tiên đến với khách hàng khi họ bước vào cửa hàng, khi đi dọc theo các quầy kệ trưng bày sản phẩm, khi nhìn ngắm cách bài trí, thiết kế của cửa hàng.

Ấn tượng đầu tiên còn đến khi khách hàng được nhân viên bán hàng chào hỏi, giao tiếp, tư vấn và hướng dẫn, làm cho họ cảm thấy mình là người quan trọng. Do đó, nhân viên bán hàng phải được trang bị đầy đủ kiến thức về sản phẩm đang bán, có thái độ cởi mở, nhiệt tình, hết lòng vì khách hàng.

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Trung Nguyên “la làng” và cách bán cơm kiểu Mỹ

Câu chuyện Starbucks mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM trong thời gian vừa qua có lẽ là một trong những chủ đề “hot” nhất trong làng marketing Việt.
Sự đồng cảm chẳng phải là điều gì lớn lao, mà đến từ những điều rất thường ngày, rất con người.

Dĩ nhiên, việc vào một nước nào đó là chuyện thường tình với các ông lớn đa quốc gia. Thương hiệu như vậy, túi tiền bự như vậy, cách làm thị trường chuyên nghiệp như vậy, đi đâu mà chẳng được chào đón.

Chẳng thế, mà ở một số nước (châu Âu hẳn hoi), nếu một thành phố không có cửa hàng McDonald’s hay Starbucks, thì ắt hẳn chưa thể được xem là thành phố “có hạng”.

Tuy nhiên, câu chuyện ở Việt Nam lại có phần hơi đặc biệt. Nó đặc biệt vì những phát biểu từ ông chủ Trung Nguyên - doanh nghiệp cà phê hàng đầu trong nước - về Starbuck, như thể tập đoàn này chỉ vào Việt Nam để “khiêu chiến” với Trung Nguyên.

Những lời đao to, búa lớn xuất hiện dày đặc trên các tờ báo, nhiều đến độ cứ thấy Đặng Lê Nguyên Vũ, nhiều người lại nghĩ đến thứ nước đường có mùi cà phê - ấy là cách anh Vũ miêu tả về Starbucks.

Ấy thế mà “nạn nhân” thì thật lạ, cứ khai trương, rót cà phê mỏi tay, rồi lại có tin đồn họ rục rịch mở cửa hàng thứ hai. Nhưng lạ nhất, là họ cứ lặng im, như là chẳng biết, chẳng nghe, chẳng thấy gì cả.

Có thể đó là bài của cao thủ, hoặc họ đã quá quen với phản ứng tương tự ở những thị trường họ đã đi qua. Ngay ở Mỹ, chẳng phải đã có nhiều quán cà phê địa phương đã từng căng băng rôn, biểu ngữ phản đối ngay khi Starbucks mở cửa hàng đó sao?

Câu chuyện rôm rả cứ thế, cứ thế diễn ra, để mọi người như cuốn vào cuộc chiến ngôn từ, mà rất ít người tĩnh tâm trở lại, để tự hỏi mình: phải chăng Trung Nguyên - Starbucks là đối thủ trực tiếp, ít nhất tại thị trường trong nước?

Câu trả lời, theo người viết, là không, hoàn toàn không!

Starbucks đang phát triển dạng chuỗi, với triết lý cung cấp một không gian thứ ba, sau nhà và văn phòng, cho mỗi người. Bản thân người viết từng ngồi ở quán Starbucks tại một sân bay ở Mỹ cả buổi sáng, lướt web “chùa” thoải mái, dù chẳng cần phải gọi đồ uống.

Cái lạ (với người viết hồi đó), là không thấy nhân viên nào của Starbucks ra nhắc khéo! Cho đến khi thấu hiểu cái triết lý sâu xa của họ: chốn thứ ba của bạn, ai mà nỡ (hoặc dám) quấy rầy!

Ngược lại, chuỗi cửa hàng cà phê có phải là sản phẩm cốt lõi của Trung Nguyên? Anh Vũ đã từng tiết lộ Trung Nguyên đã đạt doanh số tới 200 triệu USD trong năm 2012, nhưng thử hỏi trong tổng doanh thu đó, bao nhiêu đến từ nguyên liệu thô, bao nhiêu đến từ cà phê G7 hòa tan, và bao nhiêu đến từ chuỗi cà phê Trung Nguyên?

Nói một cách công bằng, nếu có một người xứng là đối thủ của Starbucks tại Việt Nam, thì đó hẳn phải là Highlands Coffee - chuỗi cửa hàng cà phê đang mang lại một không khí rất phù hợp với “môi trường kinh doanh”, và thu hút giới doanh nhân cũng như giới trẻ sành điệu.

Nhưng Highlands, cũng giống như Starbucks, thường chọn cách im lặng. Họ im lặng như để khách hàng của họ được tận hưởng, và thư giãn trong không gian riêng của mình!

Có thể, những ồn ào vừa qua có thể giúp hâm nóng cái tên Trung Nguyên, hay tên tuổi của ông chủ Trung Nguyên tới mọi người, nhưng có thể lại là điểm trừ trong mắt của những người mà Trung Nguyên đang cố hướng tới (ít nhất, nếu họ muốn cạnh tranh với Starbucks).

Còn nhớ, khoảng 50 năm trước đây, khi thị trường cho thuê xe tại Mỹ còn đang được thống trị bởi Hertz, thì Avis đã đưa ra khẩu hiệu “We try harder” (Chúng tôi nỗ lực hơn) và đã trở thành một trong những câu slogan kinh điển trong lịch sử.

Câu slogan này không những tạo ra sự khiêm nhường độc đáo, mà còn rất thành công trong việc khơi gợi sự đồng cảm sâu sắc từ khách hàng. Từ sâu thẳm trong trái tim con người, ai mà chẳng muốn tưởng thưởng cho người luôn biết được vị thế của mình, để nỗ lực hơn, cho dù họ chưa phải là số 1 về thị phần!

Thậm chí, người viết bài đã thoáng buồn khi năm ngoái, năm 2012, Avis đã thay đổi slogan mới “It’s your space”. Chẳng biết khi quyết định từ bỏ câu slogan có sức sống đến nửa thế kỷ như vậy, Avis có lỡ xóa đi một ký ức thân thuộc của khách hàng?

Một thương hiệu, nếu không tìm được sự đồng cảm với khách hàng, thì thương hiệu đó sẽ lớn mà không mạnh, sẽ nổi mà thiếu chiều sâu!

Sự đồng cảm chẳng phải là điều gì lớn lao, mà đến từ những điều rất thường ngày, rất con người. Cách đây khoảng hai tuần, học sinh trường Amsterdam (Hà Nội) xôn xao với một chương trình khá lạ: một anh chàng người Mỹ - giám đốc nhãn hiệu cơm kẹp AppeRice - trực tiếp phục vụ cho học sinh trong ngày khai trương kiosk được đặt tại canteen của trường.

Điều thú vị, anh chàng này có thể nói thành thạo 5 ngoại ngữ. Mỗi học sinh được phát 1 phiếu để đoán những ngôn ngữ đó, và được giảm giá theo số ngôn ngữ được đoán đúng.

Thật ra, trong thời buổi “thế giới phẳng”, chiêu thức này chẳng có gì mới. Không ít người nước ngoài đến Việt Nam để bán hàng, mới đây báo chí đã nói về anh chàng người Đức bán dạo xúc-xích, hay anh chàng người Pháp mở quán nhậu với món cầy tơ. Hay, chuyện người nước ngoài nói sõi tiếng Việt thì cùng lắm cũng chỉ như anh chàng Dâu Tây ngày xưa, đâu còn gì lạ.

Điều quan trọng, là anh chàng láu cá người Mỹ này đã khai thác tối đa lợi thế ngôn ngữ của mình, để kết nối với học sinh Ams. Thương hiệu của Ams luôn gắn với ước mơ vươn ra biển lớn, nơi có đến 99% học sinh khát khao dành học bổng du học, và để trở thành công dân toàn cầu.

Và tất yếu, ngôn ngữ là chìa khóa để mở cửa ra thế giới. Chỉ với sự thách thức nho nhỏ này, họ đã cố gắng tìm được tiếng nói chung, một sự đồng cảm dễ thương giữa nhãn hàng và khách hàng nhí.

Vốn chẳng phải doanh nhân, lại càng không thành đạt như Vũ, nhưng nếu được Vũ hỏi, chắc hẳn người viết bài sẽ nói rằng: Vũ ơi, đừng “la làng” nữa! Vũ hãy dành thời gian gây dựng lại những quán “không gian sáng tạo” như ngày xưa. Nhiều người thích lắm, ở đó có cà phê ngon, có không gian đẹp, và nhất là, nó thật yên tĩnh!

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Bí quyết tăng lượng đăng ký nhận bản tin điện tử

Bản tin điện tử (online newsletter) là một trong những công cụ tiếp thị khá hiệu quả của các doanh nghiệp. Khi khách hàng đăng ký nhận bản tin điện tử của doanh nghiệp tức là họ đã tạo cho doanh nghiệp một cơ hội để thiết lập quan hệ với họ.


Càng có nhiều khách hàng đăng ký nhận bản tin, doanh nghiệp càng có nhiều khả năng tăng doanh thu. Janet Attard – tác giả của cuốn sách The Home Office and Small Business Answer Book (tạm dịch: Cẩm nang dành cho doanh nghiệp nhỏ và văn phòng tại gia) đã đưa ra những lời khuyên dưới đây giúp các doanh nghiệp tăng số lượng người đăng ký nhận bản tin điện tử.

1.Làm cho hộp đăng ký nhận bản tin (sign-up box) nổi bật trong trang web của doanh nghiệp.
Khách hàng càng dễ dàng tìm thấy hộp đăng ký nhận bản tin điện tử thì doanh nghiệp càng có khả năng nhận được nhiều lượt đăng ký. Nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng khách hàng sẽ đọc kỹ tất cả những thông tin từ trang chủ (home page) của mình, nhưng thực tế cho thấy là hầu hết khách hàng lần đầu tiên ghé thăm trang web của doanh nghiệp không bao giờ kéo con chuột máy tính đến cuối trang. Do đó, nên bố trí hộp đăng ký nhận bản tin lên phần trên của trang web.

2.Làm cho hộp đăng ký nhận bản tin xuất hiện ở từng trang phụ trong trang web của doanh nghiệp.
Nhiều người nghĩ rằng trang chủ chính là “mặt tiền” của trang web và là nơi thích hợp nhất để đặt hộp đăng ký nhận bản tin.Tuy nhiên, Attard khuyên doanh nghiệp nên bố trí hộp này ở tất cả các trang phụ. Lý do là khi khách hàng tìm kiếm thông tin qua các trang web như Google, tùy theo từ khóa mà họ gõ vào ô tìm kiếm, kết quả hiển thị có thể không phải là trang chính, mà là các trang phụ.

3.Đề nghị khách hàng đăng ký nhận bản tin sau khi họ hoàn tất một giao dịch mua hàng.
Cho dù khách hàng đã mua một sản phẩm của doanh nghiệp thì điều đó không có nghĩa là họ sẽ nhất định quay lại mua thêm hàng của doanh nghiệp. Để tăng khả năng khách hàng quay trở lại, nên đưa việc thu thập địa chỉ thư điện tử của họ vào quy trình bán hàng. Sau khi mua hàng thành công, khách hàng thường hài lòng và sẵn sàng khai báo địa chỉ thư điện tử để đăng ký nhận bản tin của doanh nghiệp.

4.Thu thập tên và địa chỉ thư điện tử của những khách hàng rời trang web của doanh nghiệp mà không mua hàng.
Không phải khách hàng nào cũng mua hàng ngay trong lần đầu tiên ghé thăm trang web của doanh nghiệp.Nên thiết kế một trang thoát (exit page) tự động xuất hiện khi khách hàng đóng trang web của doanh nghiệp với hộp đăng ký địa chỉ thư điện tử để nhận bản tin. Trong trang này nên cho khách hàng biết được lợi ích có được khi đăng ký nhận bản tin của doanh nghiệp, chẳng hạn lời nhận xét của những khách hàng đã trải nghiệm dịch vụ của doanh nghiệp hoặc cam kết sẽ giảm giá cho những ai đăng ký nhận bản tin hay lời hứa gửi quà tặng dùng thử miễn phí…

5.Đề nghị những khách hàng đang đăng ký nhận bản tin chuyển tiếp (forward) bản tin cho bạn bè, người thân.
Quảng cáo theo lối truyền miệng là một trong những cách tốt nhất để doanh nghiệp kéo dài danh sách khách hàng đăng ký nhận bản tin. Nên nhớ đưa đường dẫn đến trang đăng ký nhận bản tin của doanh nghiệp trong mỗi bản tin để các vị khách mới dễ dàng tham gia.

6.Quảng bá bản tin tại các cuộc hội thảo.
Nếu có cơ hội tham gia các cuộc diễn đàn, hội thảo liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, doanh nghiệp nên thông báo cho khách hàng tham dự về việc mình đang phát hành bản tin điện tử và các lợi ích mà khách hàng có được khi nhận bản tin thường xuyên. Nên in đường dẫn đến trang đăng ký nhận bản tin trong các tài liệu phát rời.

7.Trích dẫn lời nhận xét của các khách hàng trong trang đăng ký nhận bản tin của doanh nghiệp.
Những lời nhận xét của các khách hàng quen thuộc là những minh chứng thuyết phục nhất về lợi ích của bản tin đối với những người mới làm quen với trang web của doanh nghiệp.

8.Đưa đường dẫn đến các bản tin mới nhất trong trang đăng ký nhận bản tin để khách hàng có thể đọc thử trước khi đăng ký nhận thường xuyên.
9.Viết các bài báo về các đề tài thuộc lĩnh vực chuyên môn của doanh nghiệp và đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành hoặc các trang web thích hợp.
Trong các bài viết đó, doanh nghiệp có thể lồng vào đường dẫn đến trang đăng ký nhận bản tin để khuyến khích khách hàng đăng ký nhận bản tin thường xuyên theo nhiều đề tài hấp dẫn khác.

10.Nhờ các tổ chức khác quảng bá bản tin của doanh nghiệp trong bản tin của họ.
Đổi lại, doanh nghiệp sẽ quảng bá bản tin của tổ chức đó trong bản tin của mình.

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Hẹn giờ gửi thư trên mọi webmail


Không cần cài thêm add-on cho trình duyệt, bạn có thể hẹn giờ gửi thư tự động trên mọi webmail thông dụng (Gmail, Yahoo! Mail, Outlook.com,…) nhờ sự trợ giúp của dịch vụ FollowUpThen.

Đầu tiên, bạn cần đăng ký sử dụng dịch vụ FollowUpThen bằng cách gửi email đến địa chỉ1minute@followupthen.com với tiêu đề và nội dung tùy ý.



Một phút sau, bạn sẽ nhận được một bức thư với tiêu đề Welcome | Email Confirmation. Bạn mở thư này và nhấp vào liên kết trong thư để kích hoạt tài khoản.



Từ giờ, muốn lên lịch gửi thư tự động, bạn soạn nội dung thư, gõ địa chỉ email người nhận vào ô To và điền địa chỉ [cú pháp lịch gửi thư]@followupthen.com vào ô Bcc.

Chẳng hạn, nếu muốn hẹn giờ gửi thư cho đến ai đó vào 7 giờ sáng mai, bạn điền email của người nhận vào ô To và email tomorrow7am@followupthen.com vào ô Bcc. Xong, bấmSend để lên lịch gửi thư.



Một số cú pháp hẹn giờ của FollowUpThen:

230pm@followupthen.com: Gửi vào 2 giờ 30 phút chiều nay.

6amtomorrow@followupthen.com: Gửi thư vào 6 giờ sáng mai.

1minute@followupthen.com: Gửi thư sau 1 phút.

3minutes@followupthen.com: Gửi thư sau 3 phút.

7days@followupthen.com: Gửi thư vào 7 ngày tới.

saturday@followupthen.com: Gửi thư vào thứ 7.

Dec25@followupthen.com: Gửi thư vào ngày 25 tháng 12.

2011-05-30@followupthen.com: Gửi vào ngày 30 tháng 5 năm 2011.

everynov30@followupthen.com: Tự động gửi vào ngày 30 tháng 11 hàng năm.

Bạn xem chi tiết hơn các cú pháp hẹn giờ gửi thư với FollowMeUp tại http://followupthen.com/how

Lưu ý: Mỗi khi hẹn giờ gửi thư thành công, FollowMeUp đều gửi thư phản hồi đến email của bạn.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Quảng cáo đánh vào sự tò mò: Con dao hai lưỡi

Ford Motor là nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, những gì mà thành công thương hiệu tạo ra là bài học quản trị sản xuất chuẩn mực, hay tính thống nhất trong chất lượng. Tuy nhiên, câu chuyện về chiếc xe Edsel được xem như một thất bại điển hình của thương hiệu ở mọi thời đại mà được gần như mọi khóa học Marketing ở Mỹ đưa ra làm bài học nghiên cứu tình huống.

Mệnh danh là "Titanic của xe hơi", chiếc Edsel chắc chắn là một trong những thảm họa về việc thiết lập thương hiệu lớn nhất từng làm đau đầu những nhà lãnh đạo cấp cao của Ford Motor.

Edsel được tung ra thị trường một cách rầm rộ quá đáng. Mặc dù chiếc xe vẫn chưa xuất hiện ở những nơi trưng bày cho đến tháng 9/1957, nhưng những quảng cáo cổ động đã xuất hiện từ nhiều tháng trước đó với câu chủ đề: "Đây là Edsel – Chưa từng có chiếc xe nào như vậy".

Từ cái tên đến thiết kế gây tranh cãi

Đúng như mong đợi của Ford Motor, sự quan tâm của công chúng đã được đẩy lên đỉnh điểm. Tuy nhiên, sự tò mò của khách hàng được ví như con dao hai lưỡi, Ford đã không quan tâm đến việc liệu sản phẩm mới này có khả năng đáp ứng được những "chiêu" quảng cáo thái quá hay không và phản ứng ngược từ sự thất vọng của người tiêu dùng sẽ như thế nào. Và quan trọng hơn cả, biết bao nhiêu công sức và nghiên cứu đã được đổ vào cho chiếc xe này, hơn bất cứ một sản phẩm nào trước đó.
Poster quảng cáo của Edsel với nội dung: "Đây là Edsel - Chưa từng có chiếc xe nào như vậy" ?!

Ngay từ cái tên Edsel cũng được Ford đầu tư mạnh khi có sự trợ giúp của nhà thơ Marianne Moore đang nổi như cồn vào thời điểm ấy. Gợi ý của nữ nhà thơ là tìm ra một cái tên gợi lên "cảm nhận bản năng về sự thanh lịch, tính nhanh chóng, mẫu mã và kiểu dáng nổi bật".Từ hàng ngàn sự lựa chọn, tháng 11/1956, Henry Ford II, cháu nội của Henry Ford, quyết định: "Tại sao chúng ta không đơn giản gọi nó là Edsel?". Edsel là tên của bố ông ấy, người con trai duy nhất của nhà sáng lập huyền thoại Ford Motor.

Không phải ai cũng đồng ý với ý kiến này. Vị Giám đốc Quan hệ Công chúng, Gayle Warnock, biết rằng Edsel không phải là một tên đúng. Trong một cuộc nghiên cứu thăm dò trước đó, tên này đã được đưa ra cùng với "weasel" và "pretzel" và đã không được ưa chuộng. Vị giám đốc này còn mỉa mai rằng nếu như ai đó coi cái tên Edsel này là hoa hồng, thì nó chẳng có tí hương thơm nào.

Không chỉ có cái tên mới là vấn đề của chiếc Edsel mà thiết kế của nó cũng đáng phải phàn nàn. Mẫu đầu tiên của Edsel là hoàn toàn ấn tượng, được mô tả là đem tới vẻ nguyên thủy đầy cảm xúc. Tuy nhiên, mẫu xe đó không bao giờ xuất hiện, những người nắm giữ túi tiền của Ford lại cho rằng sản xuất loại xe này thật sự quá tốn kém. Mẫu thiết kế được chọn sau đó quả là hoàn toàn độc đáo. Các showroom trưng bày của Ford chật kín những vị khách tò mò muốn nhìn xem chiếc xe Edsel sẽ trông như thế nào.

Trong tuần lễ đầu tiên, đã có đến gần ba triệu người Mỹ tìm đến các điểm trưng bày chiếc Edsel. Và họ ngay lập tức nhận thấy rằng những chiếc Edsel có một số đặc điểm khác biệt, lại còn có "chiếc cổ giề ngựa đáng yêu hay đáng ghét" ở mũi xe tùy vào cảm nhận của từng người.

Sai lầm nằm ở đâu?

Vậy sai lầm là gì? Edsel hầu như có quá nhiều lý do để xác định. Nhưng trên thực tế, nên đặt câu hỏi thế này, "có gì là không sai lầm?". Thực tế, trong tâm trí công chúng, sự độc đáo mà Edsel mang tới dường như không đáp ứng được với những thổi phồng quá đáng trước đó. Và thật đáng buồn cho Ford cũng như cho mãi lực dành cho Edsel, họ chỉ bán được có 60.000 chiếc trong năm đầu tiên, không đến 30% so với dự kiến ban đầu.

Ford tiếp tục tung ra kiểu Edsel 1959 và 1960, nhưng mãi lực càng lúc càng sụt giảm đến mức chỉ còn lại 44.891 chiếc và cuối cùng là 2.846 chiếc. Tháng 11/1959, Ford đăng một quảng cáo cuối cùng cho chiếc Edsel và sau đó ngưng sản xuất hẳn.

Trên thực tế, tình hình còn tệ hơn nữa. Edsel không chỉ là chiếc xe đắt giá nhất mà nó còn phải cạnh tranh với những kiểu xe 1957 đang được bán giảm giá để tránh phải cạnh tranh với những kiểu xe 1958 sắp được ngập tràn trong những phòng trưng bày. Mức giá cao có thể được chấp nhận nếu nó đáng giá như thế. Dù sao thì kinh nghiệm của một ít khách hàng đầu tiên của Edsel cũng cho thấy nó có một số vấn đề về kỹ thuật.

Quá ỷ lại vào thành công của mẫu Thuderbird trước đó, Ford bị lóa mắt và tự mãn vào khả năng thành công của họ. Hãng này rơi vào sai lầm khi phóng đại quá mức chất lượng của sản phẩm bằng giải pháp marketing đánh vào tâm lý tò mò của công chúng. Ngoài các quảng cáo không đúng hướng, hình dáng xấu và một cái tên dở, Edsel lại còn quá đắt tiền. Thực sự niềm tin tuyệt đối về một sản phẩm đẳng cấp và tinh tế mà Ford hướng tới đã được đặt hoàn toàn sai thời điểm, Edsel ra đời vào lúc mà người ta đang nhắm đến những kiểu xe rẻ tiền hơn.

Sai lầm nằm ở chính những nhà lãnh đạo của hãng, tầm nhìn của những nhà tỷ phú này được cho là khá thiển cận khi không nhìn ra sau thời kỳ bùng nổ phát triển của những năm giữa thập niên 50, cuối năm 1957 đánh dấu thời kỳ bắt đầu suy thoái của thị trường xe hơi lúc đó. Hầu hết các kiểu xe 1958 đều hạ giá bán, và một số hạ đến 50%.

Dù sao thì Ford cũng đã học được bài học này một cách nhanh chóng. Vài năm sau thất bại đáng buồn của chiếc Edsel, họ đã lấy lại sự cân bằng với thành công đầy kịch tính của chiếc Ford Mustang được tung ra thị trường vào năm 1964, hơn 500.000 chiếc Mustang đã được bán ra ngay trong năm đầu sản xuất. Chiếc xe này không chỉ có một hình dáng đẹp và một cái tên hay – mà nó còn có giá tiền được chấp nhận rộng rãi, cho tới bây giờ, Mustang còn trở thành một nét văn hóa Mỹ.

Nhưng đó là chuyện khác, Edsel vẫn sẽ là vết nhơ đáng quên của hãng xe 110 năm tuổi!

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

4 bước đơn giản để thành công với social media

Nếu đến bây giờ mà truyền thông xã hội chưa phải là một yếu tố quan trọng trong chiến lược tiếp thị trực tuyến của doanh nghiệp thì bạn nên hành động ngay. Lý do là sự hiện diện trên các trang web như Facebook, Twitter, Pinterest, Instagram hay LinkedIn là một bổ sung đáng giá vào sản phẩm.



Dịch vụ khách hàng và trên hết là cho thương hiệu của doanh nghiệp mà bạn đang quản lý, điều hành. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản sở hữu một tài khoản và quảng bá tin tức về doanh nghiệp thì lại chưa đủ. Để lôi kéo và duy trì được khách hàng cũng như xây dựng một thương hiệu trực tuyến vững vàng, bạn nên chủ động cung cấp các thông tin có giá trị và tìm cách thu hút mọi người theo dõi. Dưới đây là bốn điều bạn nên làm trên trang mạng xã hội của công ty nhằm tăng trưởng thương hiệu trực tuyến.

Gắn kết với người theo dõi và cung cấp dịch vụ săn sóc khách hàng. Khách hàng nếu có thiện cảm với công ty của bạn sẽ luôn gắn bó với thương hiệu của bạn, bao gồm cả trên truyền thông xã hội. Do đó, đừng để tuột mất cơ hội được lắng nghe những gì họ nói về bạn hay chia sẻ cùng bạn và thông qua đó, bạn sẽ lại có cơ hội cung cấp dịch vụ săn sóc tốt nhất cho các khách hàng của mình.

Vì sao điều ấy quan trọng? Việc trả lời câu hỏi của khách hàng và giải quyết những vấn đề thông qua mạng xã hội sẽ chứng tỏ cho mọi người thấy rằng bất kỳ ai theo dõi bạn đều nhận được sự quan tâm của bạn. Dù đó là khách hàng hiện tại hay khách hàng tiềm năng, bạn đều sẵn sàng làm mọi việc cần thiết để giúp họ cảm thấy hài lòng.

Khơi nguồn ý tưởng mới thông qua chính trí tuệ của khách hàng. Hãy sử dụng truyền thông xã hội như một công cụ nghiên cứu thị trường. Tương tự như cách mọi người đến với bạn, theo dõi bạn và giữ kết nối với bạn, ở vị trí chủ doanh nghiệp, bạn cũng làm điều đó với các khách hàng của mình vì truyền thông xã hội là một xa lộ hai chiều.

Chẳng hạn, khi đang chuẩn bị tung ra một sản phẩm mới, bạn có thể thăm dò các fan hâm mộ và người theo dõi những gì họ suy nghĩ về các chi tiết cụ thể, về màu sắc họ ưa thích hoặc chức năng nào họ muốn có thêm. Qua đó, bạn không chỉ đạt đến một kết quả nghiên cứu thị trường có giá trị và chẳng tốn đồng nào, mà còn thâm nhập được vào giới tiêu dùng trực tiếp để tìm hiểu quyết định mua hàng của họ. Ngoài ra, việc hỏi thăm ý kiến của khách hàng còn cho thấy rằng bạn coi trọng họ và một khi họ cảm thấy những ý tưởng của họ sẽ trở thành hiện thực thì cũng có nghĩa là bạn đã tạo nên được sản phẩm hoặc dịch vụ mới chưa có đối thủ cạnh tranh.

Để mắt đến đối thủ. Đã kinh doanh thì cần biết rõ những gì đối thủ và các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực hoạt động của bạn đang làm gì. Theo dõi những thông tin đăng tải của họ trên mạng xã hội, bạn có thể học được rất nhiều thứ, từ cách giúp họ trở nên khác biệt đến việc tạo ra những sản phẩm cụ thể làm vừa lòng khách hàng. Kho thông tin khổng lồ cho phép bạn cân nhắc và điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đồng thời vận dụng nhiều cách hay để thực hiện các chiến thuật kinh doanh.

Xây dựng hình ảnh của một chuyên gia. Bằng cách mang đến những thông tin như mẹo vặt, lời khuyên hoặc trả lời các câu hỏi thường phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh của bạn, bạn đang định vị bản thân như một chuyên gia.

Bạn nên phát triển các công cụ để chia sẻ nội dung. Tại đó, bạn có thể trả lời câu hỏi hằng ngày, cung cấp những lời khuyên chân thành và bình luận về những tin tức, sự kiện quan trọng trong ngành. Trên các trang như Twitter hay Reddit, bạn có thể nghĩ đến việc sắp xếp lịch sự kiện, chẳng hạn như chương trình hỏi và trả lời nhằm giúp những người theo dõi biết rằng bạn sẽ chủ tọa tiết mục vào ngày nào, giờ nào một cách rõ ràng. Sau đó, hãy mời mọi người nêu ra những điều họ quan tâm và hãy cố gắng trả lời mọi câu hỏi được họ đặt ra.

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Bí quyết tiếp thị trên YouTube

Tỏ ra có năng lực mạnh trong lĩnh vực chia sẻ các đoạn phim video, YouTube (do Google sở hữu) đã trở thành một công cụ tiếp thị đắc lực cho nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, có ngân sách tiếp thị hạn hẹp.


Tuy nhiên, việc thực hiện một chiến dịch tiếp thị bằng phim video trên YouTube có thể sẽ chẳng mang lại tác dụng gì nếu doanh nghiệp không nắm được bảy bí quyết sau đây.

Một tổ chức chuyên cung cấp và phân tích các dữ liệu thị trường làm cơ sở cho các nghiên cứu tiếp thị có tên là Sumall.com đã thu thập dữ liệu từ hơn 30 ngàn doanh nghiệp để phân tích những đặc điểm của các đoạn phim video có tác dụng và không có tác dụng trên YouTube hoặc trên các kênh truyền thông xã hội khác. Từ đó, Dane Atkinson – Tổng giám đốc Sumall.com đã chia sẻ bảy bí quyết dưới đây giúp doanh nghiệp tiếp thị hiệu quả trên YouTube.

1. Không nên đầu tư quá nhiều cho những đoạn phim “hoành tráng”. Tổng số tiền trung bình đầu tư cho một đoạn phim tự làm trên YouTube chỉ nên trong khoảng 300 USD. Ngoài ra, cũng chỉ nên bỏ ra thời gian và công sức vừa phải cho đoạn phim. Điều quan trọng là sử dụng hình ảnh độc đáo, khác biệt để tạo ấn tượng cho nhãn hiệu của doanh nghiệp.

2. Đừng chạy theo mục đích làm những đoạn phim có nhiều lượt xem trong một thời gian ngắn. Thực tế cho thấy, các đoạn phim có tốc độ lan truyền nhanh đều có đề tài là những vấn đề nhỏ nhặt, không có nhiều ý nghĩa sâu sắc, cơ bản là mang tính giải trí nhất thời. Vì vậy, ngay cả khi đoạn phim của doanh nghiệp có được số lượt người xem tăng nhanh trong một thời gian ngắn thì điều đó chưa chắc sẽ có nhiều khách hàng hỏi mua hàng hay ghé thăm trang web của doanh nghiệp.

3. Nên khuyến khích khách hàng đùng tải các đoạn phim liên quan đến sản phẩm của doanh nghiệp. Cách làm này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc doanh nghiệp tự đăng tải các đoạn phim do mình tự làm. Doanh nghiệp sẽ có thể mất thời gian để đi tìm những khách hàng phấn khởi và hài lòng khi sử dụng sản phẩm do doanh nghiệp cung cấp, nhưng bù lại, sự chia sẻ của những khách hàng như là người chứng kiến luôn tạo ra sức hút lớn đối với những người khác, làm cho nhãn hiệu của doanh nghiệp được nhận biết và yêu mến nhiều hơn.

4. Không nên quan tâm nhiều đến các lời bình luận không giúp doanh nghiệp bán được hàng hoặc để có thêm khách hàng ghé thùm trang web của mình. Những lời bình luận thường có sức ảnh hưởng nhất định trên các trang nhật ký điện tử cá nhân (blog), Facebook hay các trang web xã hội khác, nhưng chẳng có mấy ý nghĩa trên YouTube. Tương tự, số lượt người thích (Like) hay đăng ký (Subscription) cũng không có tác dụng. “Số lần khách hàng đăng tải lại đoạn phim của doanh nghiệp (re-post) sẽ cho biết doanh nghiệp có nhiều khách hàng ủng hộ hay không” – đó là lý do Alkinson nêu ra.

5. Không nên áp dụng các cách tiếp thị truyền thống. Người sử dụng internet, nhất là những người ghé thăm YouTube thường xuyên, thường không có đủ kiên nhẫn để tiếp nhận những đoạn phim chứa đầy các thông điệp quảng cáo, tiếp thị. “Điều tệ hại nhất là làm một đoạn phim dài đến 20 phút nhưng chỉ để nói vì sao sản phẩm của doanh nghiệp của tôi tốt nhất trên thị trường. Rất ít khách hàng hiện nay có đủ tính kiên nhẫn, trong khi đó một số doanh nghiệp lại thường mắc sai lầm là tin vào số lượt truy cập. Xin lưu ý là nhiều khách hàng có thể thoát khỏi đoạn phim của doanh nghiệp chỉ sau vài giây nếu họ không cảm thấy hứng thú gì với nội dung vừa xem” – Atkinson khuyến cáo.

6. Xác định mục tiêu rõ ràng. Mục tiêu tung ra đoạn phim phải cụ thể và có thể đo lường được. Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành tiếp thị trên các kênh truyền thông xã hội, trong đó có YouTube, nhưng tỏ ra rất mù mờ về mục tiêu và tác dụng của các chương trình tiếp thị. Một số doanh nghiệp khác lại thuê chuyên gia thực hiện các chiến dịch tiếp thị trên YouTube, song lại không nêu rõ những thay đổi cụ thể cần thu được từ các chiến dịch ấy (chẳng hạn như số lượt khách hàng hỏi mua hàng hay số lượt truy cập vào trang web của doanh nghiệp).

7.Kiên nhẫn. Tiếp thị trên YouTube có tính gián tiếp hơn nhiều so với tiếp thị bằng cách mua các từ khóa trên các trang web tìm kiếm thông tin hay đặt banderole quảng cáo trên các trang web khác. Do đó doanh nghiệp phải chịu khó chờ đợi và dõi theo phản ứng trên thị trường. “Có thể phải mất đến sáu tháng thì một chiến dịch tiếp thị bằng phim video trên YouTube mới có tác dụng” – Atkinson chia sẻ.

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Re-Targeting Công nghệ đeo bám đảm bảo quảng cáo

Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu

Sức mạnh rõ ràng nhất của Re-Targeting là cho phép hiển thị những quảng cáo có tính liên quan cao với sở thích của độc giả. Điều này giúp các Marketer hiểu được công chúng của mình và cung cấp quảng cáo đúng người – đúng thời điểm.
Công nghệ đeo bám đảm bảo quảng cáo được nhìn thấy bởi đúng người và đúng thời điểm

Cách thức hoạt động


Theo mạng quảng cáo Retargeter (Mỹ), sau lần truy cập đầu tiên vào website của một doanh nghiệp, chỉ có 2% độc giả quyết định mua sản phẩm và trở thành khách hàng của doanh nghiệp đó.

Vậy làm thế nào để củng cố thương hiệu và “níu chân” 98% người đã rời khỏi website? Giải pháp mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn là quảng cáo trực tuyến sử dụng công nghệ đeo bám (Re-Targeting).

Tuy nhiên, trong khi công nghệ đeo bám quảng cáo đã xuất hiện từ lâu và không còn xa lạ trên thế giới thì tại Việt Nam, không ít Marketer và lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa biết hoặc chưa hiểu đúng về công nghệ này.

Đeo bám quảng cáo trực tuyến (Re-Targeting) thực chất là cách thức một mạng quảng cáo nhận diện được lĩnh vực mà độc giả quan tâm và đưa các quảng cáo sản phẩm - dịch vụ thuộc lĩnh vực đó đến với họ trên toàn bộ website (có trong mạng lưới) mà họ truy cập.

Công nghệ này được tích hợp sẵn trong các hình thức quảng cáo trực tuyến của nhà cung cấp. Đây là lợi ích đồng đều cho cả website và doanh nghiệp đăng quảng cáo bởi công nghệ đeo bám đảm bảo quảng cáo được nhìn thấy bởi đúng người và đúng thời điểm.

Mỗi mạng quảng cáo sẽ định danh người dùng bằng một mã riêng. Với việc sử dụng các tập tin cookies (nơi lưu trữ thông tin khi bạn lướt web), mạng quảng cáo sẽ thu thập được thói quen sử dụng Internet của bạn và phân tích hành vi, xác định các yếu tố, sở thích liên quan. Từ đó, hiển thị các quảng cáo gần nhất với sở thích đó, “theo dấu chân” bạn đến các website.

Lấy ví dụ tại hệ thống quảng cáo trực tuyến của Admicro - VC Corp, nếu các tập tin cookies của người dùng cho biết họ nhiều lần đến thăm trang Genk.vn, mục sức mạnh số của Dân trí, tinhte.vn và đọc bài viết về Mobile App. Mạng quảng cáo này có thể suy ra người này là một tín đồ công nghệ, đặc biệt là mảng di động, do đó, hiển thị các quảng cáo về thiết bị công nghệ và điện thoại di động trên tất cả các website của hệ thống.

Giờ đây, dù đang đọc trang Genk, tinhte.vn hay đọc mục Xu hướng công nghệ của Cafebiz, mục Xã hội của Dân trí, mục Fashion của Kênh14,… hoặc bất kỳ trang nào khác trong hệ thống hơn 180 website của Admicro, người dùng kể trên vẫn sẽ bắt gặp các quảng cáo liên quan đến di động.

Sức mạnh của công nghệ đeo bám quảng cáo trực tuyến.

Sức mạnh rõ ràng nhất của Re-Targeting là cho phép hiển thị những quảng cáo có tính liên quan cao với sở thích của độc giả. Điều này giúp các Marketer hiểu được công chúng của mình và cung cấp quảng cáo tiếp cận đúng đối tượng.

Bạn sẽ không cần quá quan tâm đến việc quảng cáo của mình đang chạy ở đâu, vẫn có thể yên tâm rằng quảng cáo chạy đúng trước mắt nhóm khách hàng tiềm năng và khách hàng bạn đang hướng tới.

Mỗi khi công chúng nhìn thấy quảng cáo của doanh nghiệp là thêm một lần thương hiệu và sản phẩm được nhận diện, lưu giữ trong tâm trí khách hàng. Công nghệ đeo bám tạo ra hiệu ứng “mưa dầm thấm lâu”, khiến tỉ lệ CTR (Click-through-rate) và chuyển đổi từ nhận biết sang hành động cao hơn.

Kết quả là tăng khả năng bán được hàng và độ phủ thương hiệu. Theo mạng Adroll, công nghệ này làm tăng chỉ số ROI (Return of Investment - tỉ lệ hoàn vốn đầu tư) lên gấp 2 lần so với chiến dịch thông thường.

Về phía người dùng, công nghệ đeo bám đem lại cho độc giả trải nghiệm duyệt web cá nhân hóa hơn. Họ có thể tìm thấy những gì họ cần nhanh hơn nhiều.

Ví dụ như Google: chức năng tự động tìm kiếm khổng lồ cho phép Google “đoán” được ý định đang tìm kiếm điều gì của bạn. Đơn giản bạn chỉ cần gõ vài chữ cái đầu tiên vào hộp tìm kiếm, Google sẽ tự động hiển thị các đề nghị dựa trên lịch sử duyệt web của bạn.

Song song với những lợi ích quảng cáo đúng người – đúng sản phẩm – đúng địa điểm, để xây dựng công nghệ Re-Targeting thành công, các đơn vị làm quảng cáo phải đảm bảo 2 yếu tố: có hệ thống mạng lưới website rộng lớn - phủ được nhiều người dùng và hệ thống công nghệ đủ mạnh để hiểu người dùng tốt nhất.

Tại Việt Nam hiện nay, Admicro được xem là đơn vị có 2 lợi thế cả độ mạnh công nghệ và độ rộng mạng lưới - phủ trên 31.5 triệu người dùng, chiếm hơn 90% số người sử dụng Internet toàn lãnh thổ đất nước.

Đơn vị này cũng dẫn đầu trong các công nghệ xử lý dữ liệu lớn, thông minh (Big Data), tăng cơ hội hiểu rõ về người truy cập Internet. Các công nghệ này xử lý dữ liệu hàng tỷ bản ghi trong thời gian thực tương tự như các công nghệ mà Google, Facebook,… đang sử dụng, đưa ra được các thông tin quảng cáo phù hợp cho độc giả trực tuyến.

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

(Infographic) Tiếp thị trực tuyến cho khách hàng nữ

Những người bán hàng hãy dành thời gian để tìm hiểu thói quen sử dụng Internet của phụ nữ, bởi các thông này rất hữu ích trong việc định vị và cải thiện sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của đối tượng khách hàng chiếm đến 80% các quyết định chi tiêu này.



Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Một góc nhìn khác về cuộc chiến thương hiệu

Nhạc sỹ Trần Long Ẩn hẳn sẽ rất ngạc nhiên nếu ông biết ca từ trong nhạc phẩm “Một đời người một rừng cây” của mình: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai” lại ứng với triết lý kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngày nay.


Chọn phần dễ về mình

Báo chí dạo này nói nhiều đến sự biến mất của các thương hiệu Việt Nam ngay tại thị trường nội địa. Thực ra, cuộc chiến khốc liệt trên thương trường đã diễn ra từ nhiều năm trước với sự “khai hỏa” của “đám thợ săn” đa quốc gia.

Khi Tập đoàn Unilever (Hà Lan) đặt chân vào Việt Nam năm 1995, họ đã đưa thương hiệu kem đánh răng P/S của Việt Nam vào tầm ngắm.

Những năm 1990, P/S và Dạ Lan là hai tên tuổi nổi tiếng và đáng tự hào nhất do các doanh nhân Việt “mang nặng đẻ đau” sinh ra. Lúc đầu, Unilever chơi bài thành lập liên doanh với P/S để cùng hợp tác khai thác nhãn hiệu này (chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu).

Khi nắm được con mồi, kẻ đi săn không cần nấp trong lùm cây nữa mà công khai ý đồ thôn tính bằng chiêu bài hiểm: làm cho liên doanh lỗ đến nỗi đối tác nội chịu không nổi và phải tự rút. “Cây gậy” mà họ sử dụng là đề nghị liên doanh thay vỏ kem đánh răng P/S bằng nhôm trước đó sang nguyên liệu nhựa.

Phía Công ty Hóa phẩm P/S biết rõ mưu đồ này, song không làm gì được vì không thể “chạy đua vũ trang”. Kết cục, Unilever sở hữu nhãn hiệu P/S của Việt Nam.

Tương tự, năm 1995 Công ty Colgate Palmolive (Mỹ) ngỏ ý muốn hợp tác liên doanh với Công ty Sơn Hải – chủ nhãn hiệu kem đánh răng Dạ Lan. Vẫn bài cũ, sau khi các thủ tục chuyển nhượng và thành lập liên doanh hoàn thành, việc sản xuất kinh doanh của Dạ Lan dần chìm sâu vào thua lỗ.

Năm 1998, Tổng Giám đốc Sơn Hải là ông Trịnh Thành Nhơn dù đau đớn, nhưng cũng phải ngậm ngùi bán nốt 30% cổ phần trong liên doanh cho đối tác Mỹ do không trụ nổi với tình trạng liên doanh thua lỗ triền miên.

Sẽ có người lật ngược vấn đề, lợi nhuận là mục tiêu lớn nhất của những tập đoàn này. Việc họ đi mua lại đối tác Việt Nam thông qua đàm phán, thỏa thuận chẳng có gì xấu.

Lập luận như vậy chẳng khác nào kiểu hổ đi săn nai là tốt cho cả nai lẫn hổ! Kế sách đi mua công ty bản địa thật ra không mới với công ty lớn trên thế giới. Đó là con đường ngắn nhất, dễ đi nhất để họ thâm nhập một thị trường mới đầy hấp dẫn như Việt Nam. Ai chẳng thích chọn việc dễ hơn việc khó!

Nếu công ty nước ngoài đã vậy, có không ít công ty Việt Nam – đối tượng bị săn đuổi lại tình nguyện… trở thành con mồi. Vì sao? Đơn giản, đó cũng là con đường ngắn nhất, dễ đi nhất để các ông chủ doanh nghiệp tư nhân thu về một khoản tiền mặt lớn, danh tiếng lan rộng.

Gian khổ nhường người khác!

Khi thương hiệu cà phê số 1 thế giới Starbucks đổ bộ vào Việt Nam, rất nhiều người háo hức đón chờ phản ứng khác nhau của các thương hiệu lớn nhất nước. Vinacafé Biên Hòa nằm trong số những công ty được mong đợi hơn cả. Bởi lẽ, đây là thương hiệu mạnh nhất nhì thị trường.

Chỉ tính năm 2012, Vinacafé Biên Hòa lọt “Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2012”, “Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam”, “Top 10 Thương hiệu Việt uy tín”, nhận Giải Bạc – Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Thương hiệu Quốc gia.

Vậy nhưng chưa thấy có phát ngôn hay hành động đúng tầm “Thương hiệu quốc gia” nào từ Vinacafé Biên Hòa trước sự xuất hiện của thương hiệu toàn cầu Starbucks.

Đã đành mỗi doanh nghiệp có một chiến lược marketing riêng, nhất là Starbucks không phải đối thủ trực tiếp của Vinacafé Biên Hòa, song người tiêu dùng muốn biết bản lĩnh của công ty đứng đầu thị trường thế nào trước thử thách lớn.

Đó không chỉ là chuyện kinh doanh, phải coi đó là tinh thần dân tộc. Nếu không có tinh thần dân tộc tuyệt vời, người Hàn Quốc không bao giờ có thương hiệu quốc gia Samsung của họ.

Người Nhật biết cúi đầu lịch thiệp trong giao tiếp, nhưng khi chạm vào tinh thần dân tộc họ chẳng bao giờ sợ hãi trước bất cứ tập đoàn đa quốc gia nào, mà luôn ngẩng cao đầu. Nhờ tính tự tôn dân tộc ấy mới có Sony, Honda, Toyota ngày nay.

Hay có lẽ Vinacafé… sướng quá không quen được khổ? Sướng bởi vì đùng một cái, đang lo mất thị phần do sự cạnh tranh từ các đối thủ khác thì họ được một tập đoàn thực phẩm lớn mua lại. Ngoài dòng tiền, Vinacafé Biên Hòa nghiễm nhiên tăng kênh phân phối từ 45.000 điểm lên 180.000 điểm trên cả nước nhờ hệ thống sẵn có của bên mua lại.

Nhưng họ cũng sẽ khổ. Khổ bởi vì tính sáng tạo, khả năng ứng biến trong kinh doanh từ giờ hoàn toàn lệ thuộc vào tập đoàn mẹ chưa có kinh nghiệm về cà phê.

Còn nữa, cà phê không phải sản phẩm tiêu dùng nhanh thông thường như nước mắm hay mì ăn liền. Nó có tính văn hóa rất cao nên chưa chắc dễ bán hơn trong hệ thống phân phối mới.

Quay lại câu chuyện bảo vệ thương hiệu. Không phải tất cả doanh nghiệp đều an phận.
Mỹ Hảo là minh chứng. Dù chỉ là công ty quy mô nhỏ, nhưng ngay từ năm 1998, ông Lương Vạn Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty nhất quyết nói không với đề nghị mua lại toàn bộ thương hiệu từ Unilever (lúc đó được định giá 10 triệu USD). Nghe đâu ngày nay, giá trị thương hiệu này đã là hơn 40 triệu USD.

Tình yêu thương hiệu không chỉ giúp ông Vinh bảo vệ thành công “đứa con” rứt ruột đẻ ra trước bao lời chèo kéo của nước ngoài mà còn nuôi nấng nó lớn khôn, cứng cáp. Đấy là hành trình gian khổ, nhưng rất đáng tự hào.

Năm 2003, Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên cũng quyết định chọn một việc không nhẹ nhàng lắm, thậm chí rất mạo hiểm. Họ tổ chức một cuộc “thử mù” khẩu vị sản phẩm cà phê (blind taste test) tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM) thu hút hơn 35.000 người tham gia.

Công ty mời người tiêu dùng uống thử 2 ly cà phê hòa tan, một của G7 (thương hiệu vừa ra mắt lúc đó của công ty), một của Nescafe với điều kiện người thử không biết nhãn hiệu trước khi uống và so sánh xem họ yêu thích sản phẩm nào hơn. Kết quả của cuộc “thử mù” là có 89% người tiêu dùng chọn G7 và 11% chọn Nescafe.

Trước khi có G7 và sự kiện trên, thị trường cà phê hòa tan đóng gói nội địa do Nescafe làm chủ với 55,95% thị phần. Vinacafe chiếm 38,45 và 5,6% là của các thương hiệu cà phê khác.

Đến cuối năm 2004, bức tranh ngành cà phê hòa tan được vẽ lại, Nescafe chỉ còn 44,05%, Vinacafe còn 28,95%, G7 chiếm 21,8% và 5,2% cho các thương hiệu khác. G7 thành công nhờ có sản phẩm tốt, chất lượng và hương vị riêng biệt cộng với khâu phân phối mạnh và chiến dịch tiếp thị chuyên nghiệp.

Đúng như ca từ trong nhạc phẩm của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, gật đầu với đối thủ để tồn tại dễ hơn rất nhiều so với cái lắc đầu ẩn chứa tinh thần tự tôn, sứ mệnh bảo vệ thương hiệu của người Việt Nam. Cuộc đời này nếu ai cũng dành gian khổ cho người khác thì còn gì để nói?

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Mobile marketing: Giải pháp tiềm năng cho ngành quảng cáo

Đến năm 2012, Việt Nam đã có 35,4 triệu người dùng Internet, trong đó có khoảng 19 triệu người truy cập thông qua các thiết bị di động. Sự phát triển nhanh chóng này đã mở ra một kênh tiếp thị tiềm năng: quảng cáo tương tác trên di động.


Với sự ra đời và bùng nổ của thế hệ điện thoại thông minh, quảng cáo tương tác trên di động đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây. Các hình thức tiếp cận khách hàng đã đa dạng hơn như: SMS, MMS, Bluetooth, Hồng ngoại, Game/App, Mobile AdNetwork, các dịch vụ trên nên tảng định vị, QrCode, BarCode, Augmented Reality.

Theo kết quả khảo sát xu hướng marketing năm 2013 cho thấy, các nhà hoạch định chiến lược marketing sẽ ưu tiên cho email, mạng xã hội và di động. Các nhà marketing chọn ứng dụng trên thiết bị di động chiếm 39,1% và là ưu tiên hàng đầu trong năm 2013. Hiệu quả của kênh truyền thông di động đã phần nào làm thay đổi cơ cấu phân bổ ngân sách marketing của các doanh nghiệp. Trong năm 2012, nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới đã đầu tư khá mạnh với ngân sách lên đến 5-10% cho riêng mảng Mobile Marketing trên tổng chi phí quảng cáo hằng năm.

Nổi bật là chiến dịch của Coca-Cola ở Hồng Kông, được xem là thành công nhất trong 35 năm qua của Coca-Cola với 380.000 lượt tải ứng dụng và 9 triệu lượt xem trên truyền hình, Youtube và Weibo. Riêng tại Việt Nam, chiến dịch Én Khai Xuân của Coca-Cola do SoSmart thực hiện cũng đã thu hút được hơn 24.300 lượt tải ứng dụng, vượt xa mục tiêu 15.000 lượt đặt ra ban đầu. Một đại diện của SoSmart cho rằng Mobile Marketing là một xu hướng mới thích nghi với sự thay đổi tiếp cận thông tin của đối tượng tiêu dùng.

Do đó, nó sẽ là một công cụ hiệu quả bổ trợ cho các kênh truyền thông khác nhắm vào đúng phân khúc khách hàng. Vì thế hiện nay, giải pháp quảng cáo hiệu quả chính là cách tận dụng tối đa khả năng tương tác giữa điện thoại di động với các kênh quảng cáo truyền thống. Những dịch vụ tương tác trên cũng đang được Goldsun Focus Media giới thiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam và đã thành công trong chiến lược quảng bá thương hiệu.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng phòng Kinh doanh Trung tâm dịch vụ giá trị gia tăng của VinaPhone, nhận định trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Mobile marketing trở thành thế mạnh trong việc tiếp thị thương hiệu và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Đây cũng là một trong những lĩnh vực tiềm năng và sẽ trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành quảng cáo, cũng như kênh mua sắm trực tuyến ở Việt Nam

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Tuyệt chiêu của vua siêu thị Trung Quốc RT-Mart

Ai là vua siêu thị ở Trung Quốc? Nhiều người ngay lập tức nghĩ đến Wal-Mart hay Carrefour. Những người theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc thì hô vang các thương hiệu nội địa như Vanguard, Yonghui.


Nhưng không. Tất cả đều sai. Theo số liệu thống kê về các siêu thị ở Trung Quốc năm 2011 và 2012, chuỗi siêu thị RT-Mart đến từ Đài Loan đã 2 năm liên tục đứng đầu bảng doanh thu của hệ thống các siêu thị bán lẻ ở Trung Quốc, ngay cả những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới như Wal-Mart, Carrefour cũng đứng sau thương hiệu này.

Doãn Diễn Lương sáng lập RT-Mart ở Đài Loan năm 1996 và đến năm 1997 hãng này Bắc tiến và mở siêu thị đầu tiên ở Thượng Hải. Tính đến cuối năm 2012, RT-Mart đã sở hữu tổng cộng 219 siêu thị bán lẻ. Trung bình mỗi năm Hãng mở rộng thêm 20 siêu thị mới. Năm 2013, tốc độ đó được đẩy lên nhanh hơn, chỉ tháng 1 đã có 4 siêu thị được khai trương và trong tháng 5 này, siêu thị Tùy Châu ở Hồ Bắc cũng sắp được mở cửa.

Bên cạnh số siêu thị tăng đáng kinh ngạc, doanh số bán hàng của RT-Mart cũng có bước nhảy vọt trong vài ba năm trở lại đây. Trong 2 năm 2010 và 2011, doanh thu mỗi năm đều vượt mốc 60 tỉ nhân dân tệ. Tỉ lệ tăng trưởng doanh thu hằng năm từ năm 2000 đều chưa khi nào thấp hơn 15%; 219 siêu thị cũng chưa từng phải gián đoạn hoạt động lần nào.

4 chính sách cốt lõi
Doanh nghiệp bán lẻ của Trung Quốc rất khó thoát khỏi cuộc chiến giá cả. Vậy RT-Mart có được giá siêu rẻ bằng cách nào?

Thứ nhất là chính sách “bảo dưỡng” đến đầu cuối nguồn cung hàng hóa. RT-Mart đã kết nối trực tiếp các nhà sản xuất nhờ đó hạ được giá bán và tăng chất lượng. Ví dụ để có giá rẻ và có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm, RT-Mart sẵn sàng mua cả vùng núi trồng lê, hay cả trang trại nuôi heo. Cách mua hàng này tuy cần vốn lớn, nhưng RT-Mart chấp nhận và cái lợi lớn nhất Hãng thu được chính là sự tín nhiệm và ủng hộ của người tiêu dùng.

Thứ hai, RT-Mart khéo dùng chính sách “bia đỡ đạn”. Trong mỗi nhóm sản phẩm, bao giờ cũng gồm 2 món, 1 món đóng vai trò chủ chốt thu hút sự chú ý, món còn lại đóng vai trò sản phẩm tấn công và đây là nguồn gốc thật sự của lợi nhuận. Hãng đã dựa vào hệ thống quản trị tài nguyên doanh nghiệp ERP chuẩn xác của các siêu thị thành viên để đo lường tính toán chính xác hàng hóa hiện có, sau đó hiểu được đặc điểm của các nhóm khách hàng, cung cấp cho họ nhu yếu phẩm không lãi; còn những sản phẩm khác thì kiếm được khoản lợi cao hơn.

Thứ ba là cơ chế mua đứt, bảo đảm giá thấp đến đáy của thị trường. Đối với sản phẩm cần lượng hàng lớn, RT-Mart sẽ tìm đến nhà sản xuất rồi mua đứt hàng mình cần và thanh toán một lần. Nhờ vậy RT-Mart luôn chủ động, không phải bố trí nhân viên quan sát giá cả toàn thị trường, hay của đối thủ.

Thứ tư, RT-Mart có bộ phận ngăn ngừa tổn thất chuyên nghiệp. Mỗi nhân viên phải tự chịu trách nhiệm về những tổn thất ở bộ phận mình phụ trách.

Nhưng điểm cốt lõi giúp cho toàn bộ hệ thống của RT-Mart có thể kinh doanh khởi sắc đó là chính sách nhà cung ứng ôn hòa với 3 tiêu chí: thanh toán nhanh, bớt bóc lột và thêm chuyên nghiệp.

RT-Mart là công ty có mối quan hệ tốt hiếm thấy với các nhà cung ứng. Để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nhà cung ứng, Hãng đã tuân thủ 3 giảm 1 tăng. Đó là giảm bóc lột, giảm chi phí thúc đẩy bán hàng, giảm màu mè trong quan hệ và tăng nhanh tốc độ thanh toán. Lưu lượng khách hàng và doanh số bán tốt đã khiến cho tỉ suất xoay vòng dòng vốn của Hãng luôn ở trạng thái ưu việt và nhà cung ứng cũng được thanh toán đầy đủ.

Hướng về nông thôn
Hệ thống các siêu thị của RT-Mart không theo kiểu giăng lưới khắp nơi. Mới đầu các siêu thị của RT-Mart tập trung ở khu vực Hoa Đông, chiếm ưu thế tuyệt đối ở khu vực này. Sau khi đã đứng vững tại đây, Hãng bắt đầu phát triển ra các vùng phụ cận.

Trong khi các thương hiệu mạnh rầm rộ đầu tư vào các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Thâm Quyến, Thành Đô, Vũ Hán - những nơi cạnh tranh đến mức không thể khốc liệt hơn được nữa, RT-Mart lại tiến những bước dài vững chắc ở những thị trường hạng ba, hạng tư thậm chí là hạng năm.

RT-Mart luôn đặt các siêu thị ở xa trung tâm lớn hoặc trung tâm các tỉnh lẻ, chủ yếu là khu đông dân cư, có không gian rộng lớn. Mỗi siêu thị RT-Mart đều có bãi đậu xe; riêng về điểm này, rất nhiều siêu thị ở Trung Quốc còn chưa thể làm được.

RT-Mart không bao giờ đặt mình vào vị trí một mình một chợ; bao quanh siêu thị của hãng này luôn có các hình thức thương mại bổ trợ. Chẳng hạn, các cửa hàng ăn uống, thời trang, câu lạc bộ giải trí phù hợp với những người đi siêu thị. Trong siêu thị, hàng hóa cũng được sắp xếp hợp lý. Đặc biệt âm nhạc nền trong khu mua sắm rất hợp với tập quán của khách hàng trong vùng, tạo nên bầu không khí vui vẻ thoải mái.

Các chiến dịch truyền thông quảng cáo cũng hợp lý. Đó là quảng cáo trên truyền hình địa phương với thời lượng cao trước khi khai trương siêu thị. Thứ hai, các cẩm nang mua sắm được phát hành đến từng hộ gia đình; cách làm này vừa gần gũi vừa phù hợp với thói quen sinh hoạt và mua sắm ở các thành phố nhỏ.

Giao thông thuận tiện cũng là chìa khóa giúp RT-Mart thành công. Xe buýt miễn phí của RT-Mart đã trở thành hệ thống giao thông công cộng tạo được nhiều thiện cảm. Những chiếc xe này được vẽ đầy logo của RT-Mart trở thành hình thức quảng cáo di động hiệu quả

Tiếp thị theo kiểu “chảnh”

Theo Youngme Moon – giáo sư của Đại học Harvard, những nhãn hiệu tiếp thị theo kiểu thách thức là những nhãn hiệu khiến khách hàng “phải khó khăn mới có được chúng”.



Khác với những nhãn hiệu tiếp thị theo kiểu thân thiện và dễ tiếp cận, những nhãn hiệu thách thức muốn truyền đến khách hàng một thông điệp giống như một cô gái xinh đẹp nhưng “chảnh” tuyên bố “Hãy yêu tôi hoặc tránh xa tôi!”. Vì sao cách tiếp thị này tồn tại và thành công được? Dưới đây là những giải thích của giáo sư Moon.

Trên thực tế, có khá nhiều nhãn hiệu thành công nhờ cách tiếp thị này. Chẳng hạn, Harley Davidson không muốn nhắm đến tất cả khách hàng, mà chỉ chú trọng đến những đối tượng muốn thể hiện phong cách riêng của họ. RedBull thì không quan tâm đến chuyện che giấu, biện minh cho thành phần không tốt cho sức khỏe trong loại nước uống tăng lực của nhãn hiệu này, mà ngấm ngầm nhấn mạnh những hoạt động thể thao mạo hiểm trong các chương trình, thông điệp tiếp thị của họ. Hai nhãn hiệu đó cũng như những nhãn hiệu nổi tiếng khác là MINI-Cooper, Marmite, Hollister, Benetton… muốn nói với khách hàng rằng “Mời quý vị đi chỗ khác nếu không thích cách chúng tôi đang hành xử”.

Ngày càng có nhiều nhãn hiệu theo đuổi chiến lược tiếp thị thách thức. Ví dụ, Lululemon tỏ ra rất kỳ quặc khi cố tình làm cho những mặt hàng phổ biến của họ trở nên khan hiếm, khiến khách hàng phải mua với giá cao nhất. Lululemon còn khuyến khích nhân viên các cửa hàng của mình nghe trộm những câu chuyện của khách hàng. Domino’s Pizza thì công bố trong một chiến dịch quảng cáo rằng sẽ sẵn sàng nói “Không!” với những khách hàng yêu cầu thêm, bớt phần nhân bánh phía trên của các loại bánh pizza làm thủ công.

Xem ra, những nhãn hiệu như trên không hề hổ thẹn về những khiếm khuyết trong sản phẩm của họ. “Các nhãn hiệu thách thức xây dựng những rào cản đối với người tiêu dùng và những rào cản ấy, ở một góc độ nào đó, có thể được hiểu là một cách để thử sức gắn kết của khách hàng” – Moon giải thích. Ngoài ra, cũng theo giáo sư, tiếp thị thách thức có thể giúp doanh nghiệp thành công vì những lý do sau:

1. Nhãn hiệu thách thức có sức thu hút như một tôn giáo. Theo Douglas Atkin, tác giả của cuốn sách The Culting of Brands: When Customers Become True Believers (tạm dịch: Khi khách hàng trở thành những tín đồ thật sự), một nhãn hiệu có những khách hàng trung thành sẵn sàng ủng hộ và muốn thể hiện bản thân qua những giá trị của nhãn hiệu đó thường mang nhiều yếu tố như một tôn giáo. Những tín đồ của một tôn giáo cảm thấy thỏa mãn khi nghĩ rằng họ là những người khác biệt mà không phải ai cũng có thể làm theo được. Tương tự, những nhãn hiệu “không dành cho mọi người” sẽ giúp những khách hàng hâm mộ trở thành những người khác biệt so với vô số khách hàng khác.

2. Nhãn hiệu thách thức hiểu rằng “ít hơn có nghĩa là nhiều hơn”
Theo cách tiếp thị thông thường, các nhãn hiệu thường muốn “nhồi nhét” cho khách hàng càng nhiều thông tin càng tốt. Kết quả là các thông điệp tiếp thị chứa đầy các mô tả về tính năng hay lợi ích của sản phẩm mà đôi lúc khách hàng không cần, không muốn nghe và không muốn mua. Các nhãn hiệu thách thức thường không hề đề cập gì đến tính năng sản phẩm

Chẳng hạn, IKEA không bao giờ giao hàng miễn phí mà ngược lại, thu phí giao hàng rất đắt. IKEA cũng không cung cấp cho khách hàng sách hướng dẫn sử dụng, lắp đặt (muốn có các thông tin, khách hàng phải tự truy cập vào trang web của công ty). Tuy nhiên, đối với những khách hàng có thể tự vận chuyển đồ nội thất về nhà và tự mình lắp ráp sản phẩm thì họ lại cảm thấy tự hào và đánh giá cao tính đơn giản trong thiết kế các mặt hàng tự lắp ráp của IKEA. Họ có được niềm tin “Chuyện nhỏ, tôi hoàn toàn làm được điều đó!”.

Giáo sư Moon cũng dẫn chứng một cuốn sách khác mà ông yêu thích là Chiến lược Biển xanh (Blue Ocean Strategy) có liên quan đến triết lý nói trên. Tác giả của cuốn sách cho rằng nhiều công ty đã đạt được những bước thành công vượt bậc nhờ thay đổi cách định giá cho sản phẩm theo kiểu “tiền nào của nấy” (nghĩa là đưa vào sản phẩm thật nhiều tính năng và tiện ích để rồi định giá sản phẩm rất cao).

Những công ty đó đã để công tìm hiểu xem khách hàng có vui vẻ và sẵn sàng từ bỏ một vài tính năng, tiện ích của sản phẩm để đổi lấy sự đơn giản với mức giá thấp hơn. Chẳng hạn Jet Blue cũng có thể được xem là một nhãn hiệu thách thức khi hãng hàng không này loại bỏ bớt các tiện nghi chuẩn trong một chuyến bay, nhưng lại đem đến cho khách hàng những dịch vụ sang trọng và mang tính cá nhân khác với một mức giá thấp.

Tương tự, để tạo ra sự khác biệt trong thị trường ứng dụng cho điện thoại thông minh vốn đang bị thống lĩnh bởi các nhãn hiệu lớn như Google và Apple, Windows Phone cho rằng những nhãn hiệu này đã làm khách hàng quá “ngợp” với vô sốứng dụng không cần thiết và khẳng định mình là một nhà cung cấp các trình ứng dụng thuộc đẳng cấp cao nhất dành cho những khách hàng thông minh nhất.

3. Nhãn hiệu thách thức phải thể hiện được tính trung thực.
Tính trung thực là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng niềm tin và lòng trung thành của khách hàng. Đề tài này cũng đã được đề cập khá nhiều trong thời đại bùng nổ của truyền thông xã hội hiện nay. Khách hàng có khuynh hướng yêu mến những nhãn hiệu sẵn sàng thể hiện “mình là ai”, chứ không phải vì mục tiêu hàng đầu là doanh số và lợi nhuận.

Năm ngoái, Whole Foods đã thông báo rằng kể từ tháng sau, công ty này chỉ cung cấp cho thị trường các loại hải sản được nuôi trồng và đánh bắt theo tiêu chí bền vững, loại bỏ các loài hải sản nằm trong sách đỏ (do đã bị khai thác quá mức hay bằng những cách gây nguy hại cho môi trường sinh thái biển).

Whole Foods có thể chưa phải là một nhãn hiệu thách thức thật sự, nhưng hành động nói trên có thể khiến nó trở thành một nhãn hiệu “chảnh” trong con mắt của một số khách hàng. Một số nhà cung cấp cũng có thể không đồng tình với sự thay đổi của Whole Foods, nhưng giáo sư Moon cho rằng ở một góc độ khác, sự thẳng thắn và trung thực của Whole Foods chắc chắn sẽ được một số đông khách hàng tín nhiệm và yêu mến.

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Triết lý cuộc sống từ bữa sáng

Trong thế giới thương hiệu, Kellogg’s đặc biệt đến mức độc nhất vô nhị ở lịch sử hình thành, ở đặc thù sản phẩm và ở triết lý về chất lượng cuộc sống ẩn hiện trong mục đích sử dụng đơn giản của sản phẩm.

Tên thương hiệu này được sử dụng sau khi đã có sản phẩm và Kellogg’s gắn liền với vật chất là lúa ngô và với một dấu mốc trong cuộc sống hàng ngày của con người là bữa ăn sáng. Đơn giản chỉ có thế mà Kellogg’s trở thành một trong những thương hiệu sáng giá nhất thế giới.

Từ chữa bệnh đến "cuộc cách mạng về bữa sáng"

Năm 2012, hãng xếp hạng giá trị thương hiệu Interbrand đánh giá thương hiệu Kellogg’s trị giá 12,07 tỷ USD và xếp nó đứng thứ 29 trong số 100 thương hiệu sáng giá nhất thế giới. Nếu đặt điều này trong bối cảnh sản phẩm mang tên thương hiệu chỉ là bỏng lúa ngô và mục đích sử dụng chính của sản phẩm chỉ là bữa ăn sáng thì mới thấy điều kỳ lạ ở Kellogg’s là nó được con người và thị trường chấp nhận và mến mộ, lại không phải mãi đến tận bây giờ mới vậy mà đã từ hơn một thế kỷ nay.

Gốc rễ của thương hiệu này là một khu điều trị và nghỉ dưỡng ở Battle Creek (bang Michigan, Mỹ). Trại điều trị và nghỉ dưỡng này có tên gọi chính thức là Western Health Reform Institute. Tại đây, bệnh nhân được chữa chạy và phục hồi những chức năng cơ thể thông qua luyện tập, dùng ánh sáng mặt trời tự nhiên và nhân tạo, ăn chay, không uống rượu và cà phê, không hút thuốc lá...

Năm 1875, bác sỹ John Harvey Kellogg’s bắt đầu làm việc ở đây. Năm 1880, người em trai là Will Keith Kellogg’s đảm nhận cương vị điều hành khu điều trị và nghỉ dưỡng này. Phải khá nhiều năm sau, họ mới thành lập công ty riêng và cho ra đời thương hiệu Kellogg’s.

Hai anh em đã tốn khá nhiều công sức để chế ra những loại đồ ăn bổ dưỡng thích hợp cho bệnh nhân ở đây. Quan điểm của họ là dùng thức ăn và thói quen ăn uống để chữa bệnh. Vì phải là đồ ăn không thịt động vật nên sản phẩm họ làm ra phải bổ dưỡng, nói đúng hơn là phải đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân, lại phải đa dạng, dễ ăn và hợp khẩu vị đến mức trở thành khoái khẩu đối với bệnh nhân. Họ đặc biệt lưu tâm tới bữa sáng.

Quan niệm chung của con người xưa nay vẫn cho rằng, bữa ăn sáng quan trọng nhất trong tất cả những bữa ăn trong ngày. Người Anh vẫn thường nói "Một bữa ăn sáng tốt đưa lại sự khởi đầu tốt cho ngày hôm đó". Người Đức có câu tục ngữ "Ăn sáng như một ông hoàng, ăn trưa như người bình thường và ăn tối như một kẻ ăn mày".

Nhờ sự tình cờ mà năm 1894, hai người một lần nhìn thấy lúa mạch bị quên chưa nấu trong đêm. Họ nghĩ ra việc rang, quay lúa mạch thành bỏng và tin rằng sử dụng bỏng để làm đồ ăn sáng sẽ dễ ăn hơn nhiều so với bánh mỳ đơn điệu lâu nay. Bỏng này sau khi được sấy khô sẽ rất nhẹ, ăn giòn tan, lại có thể ăn cùng với súp mặn hay sữa ngọt, trộn muối hay đường... Họ gọi sản phẩm của họ là Granose.

Hai người đã không chỉ thay đổi mà đã tiến hành một cuộc cách mạng thực sự về bữa ăn sáng.

Sự ưa chuộng của bệnh nhân đã gợi mở và củng cố lòng tin cho Will Keith Kellogg’s vào việc có thể thương mại hóa sản phẩm này. Năm 1906, ông thành lập công ty Battle Creek Toasted Corn Flake Company chuyên chế biến bỏng lúa ngô, đóng gói và bán ra thị trường. Thương hiệu Kellogg’s chính thức xuất hiện trên thị trường và trong thế giới thương hiệu từ đấy. Năm 1922, công ty này đổi tên thành Kellogg’s Company. Ngày nay, doanh số hàng năm của công ty đạt 13 tỷ USD, sử dụng 32.000 nhân công, sản xuất ra 50 loại sản phẩm khác nhau ở 18 quốc gia rồi xuất đi 180 nước trên thế giới.

Tiếp thị và triết lý thương hiệu
Bí quyết quyết định thành công của Kellogg’s là quảng cáo tiếp thị và thông qua đó truyền tải được triết lý của thương hiệu.

Kellogg’s là một trong những tập đoàn ở Mỹ chi nhiều tiền nhất cho quảng cáo và tiếp thị sản phẩm, đi đầu trong việc sử dụng sóng phát thanh và truyền hình để làm việc này. Những quảng cáo của Kellogg’s trên đài phát thanh hay truyền hình được đánh giá là có nghệ thuật trong việc sử dụng màu sắc và hình ảnh trên bao bì. Kellogg’s ý thức được rằng, chỉ như vậy thì mới có thể truyền tải được triết lý của thương hiệu. Đó là triết lý cuộc sống về bữa ăn sáng.

Bữa ăn sáng được coi như sự khởi đầu của ngày. Nó không chỉ làm no mà còn tạo cho con người cảm giác khoan khoái và hài lòng, sung sướng và yêu đời. Bởi thế, con người không những chỉ có nhu cầu, mà còn cả trách nhiệm phải ăn sáng và chỉ có Kellogg’s mới có thể làm nên bữa ăn sáng hoàn hảo và đầy ý nghĩa đến như thế.

Kellogg’s sử dụng mọi thủ pháp và phương tiện có thể tận dụng được để thâm nhập triết lý này vào người tiêu dùng thuộc đủ mọi thế hệ. Nhờ thế mà cho tới nay, Kellogg’svẫn luôn đánh bại được mọi đối thủ cạnh tranh, cho dù sản phẩm của một số doanh nghiệp khác trong các cuộc "thử mù" (thử mà không được biết đó là sản phẩm của ai - PV) đều ngang ngửa hoặc thậm chí còn được đánh giá cao hơn cả Kellogg’s.

Nhìn từ giác độ thương hiệu, cách thức quảng cáo tiếp thị và triết lý thương hiệu của Kellogg’s là gây dựng cho thương hiệu nội hàm biểu trưng cho một lối sống lành mạnh và có trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng, dùng thương hiệu làm thay đổi thói quen dinh dưỡng của con người và làm cho con người không những chỉ bị chi phối trong nhận thức mà còn ở chừng mực nhất định phụ thuộc vào sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày.

Với sản phẩm đơn giản tạo nên thương hiệu sáng giá, Kellogg’sthuộc diện những thương hiệu rất thành công với việc "thương hiệu hoá" sản phẩm. Trong thế giới thương hiệu, không phải cứ có sản phẩm là đã có thương hiệu. Việc gây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu bao giờ cũng xuất phát từ sản phẩm, nhưng là quá trình hoàn toàn khác nên cần phải được tổ chức và vận hành theo cách thức và những nguyên tắc hoàn toàn khác.

Kellogg’s thành công bởi triết lý cuộc sống từ bữa ăn sáng của Kellogg’s dễ được chấp nhận, có khả năng thuyết phục và không thể bị bác bỏ. Với triết lý ấy, nhân loại càng thêm đông và ý thức của con người về lối sống lành mạnh càng sâu sắc thì thương hiệu này lại càng thành công.

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Tiếp thị hình ảnh trên mạng xã hội

Khoảng 90% thông tin được truyền đến não là hình ảnh và hình ảnh được xử lý 60.000 lần nhanh hơn trong não so với văn bản. Đó là lý do tại sao các thương hiệu lại mở rộng quảng bá bằng hình ảnh trên mạng xã hội.


Coca-Cola đã thu hút được 63 triệu fan đến với fanpage, còn Starbucks sở hữu đến 30 triệu fan. Hai thương hiệu này rất chú ý trong việc sử dụng các mạng xã hội Facebook, Twitter, Pinterest và Google + để duy trì hình ảnh thương hiệu và nâng cao nhận thức của khách hàng về chiến dịch quảng cáo của mình.

Đội ngũ quản lý Facebook của Coca-Cola cũng thường xuyên đăng tải nội dung dưới hình thức "poll", tuy nhiên, lượng tương tác đến từ bài đăng kiểu này vẫn còn thua xa dạng nội dung hình ảnh trên phương diện "like" và bình luận.

Vì thế, để thành công với tiếp thị xã hội, các thương hiệu cần phải có chiến lược hình ảnh, trong đó kết hợp biểu tượng và đồ họa vào nội dung. Dưới đây là bốn cách thiết thực để đưa hình ảnh vào chương trình tiếp thị truyền thông xã hội.

1. Lựa chọn hình ảnh
Xác định hình ảnh thương hiệu có thể chia sẻ tới số đông là yếu tố đầu tiên cần quan tâm trong một chiến dịch tiếp thị bằng hình ảnh. Hài hước, đẹp, thú vị, cảm động và hấp dẫn là những hình ảnh có khả năng được chia sẻ nhiều nhất.

Đi sâu hơn, có thể phân tích các trang mạng xã hội để xem những thể loại hình ảnh thường được nhiều người chia sẻ nhất theo từng thể loại và nhóm khách hàng phù hợp. Nike đã nghiên cứu thông tin về khách hàng rất kỹ trước khi tham gia mạng xã hội Pinterest.

2. Chọn mạng đăng tải
Hầu hết các thương hiệu đều có trang Facebook, Twitter nhưng nếu lựa chọn cho chiến dịch quảng bá bằng hình ảnh, bạn nên có tài khoản trên Pinterest, Tumblr và Instagram. Tuy nhiên, thống nhất được thông điệp cần chuyển tải trên nhiều mạng xã hội là lưu ý cần quan tâm.

Chẳng hạn, Pepsi đang ứng dụng thành công hình thức truyền thông hợp thời nhất gọi là SoLoMo: xã hội (Social), tính địa lý địa phương (local) và các thiết bị di động (mobile). Thông qua các thiết bị di động này, Pepsi có thể phân tích được lượng truy cập của khách hàng đền từ từng vùng địa lý.

3. Theo dõi và đo lường
Với sự giúp đỡ của SocialFlow, một công cụ xếp hạng mức độ phổ biến của những nội dung mà những khách hàng đang follow hãng cung cấp, Adidas hay Unilever đã tìm hiểu được khách hàng của họ đang thích thú với vấn đề nào. Tuy nhiên, trong chiến lược quảng bá hình ảnh, thách thức là phải theo dõi hàng trăm triệu hình ảnh mỗi ngày.

Nguy cơ không giám sát được hình ảnh là rất cao vì người tiêu dùng có thể gửi hình ảnh thương hiệu của bạn trong bối cảnh tiêu cực, làm thay đổi hình ảnh thương hiệu, hoặc gửi hình ảnh của sản phẩm giả mạo... Tìm kiếm và xử lý những hình ảnh tiêu cực là rất quan trọng để bảo vệ hình ảnh trực tuyến của thương hiệu.

4. Khuyến khích chia sẻ
Hãy có nhiều chương trình khuyến khích khách hàng chia sẻ hình ảnh thương hiệu của bạn nhiều hơn nữa. Tiếp cận với họ bằng những ưu đãi đặc biệt như phiếu giảm giá, thẻ VIP. Bạn sẽ biến những người ủng hộ thành "những nhân vật ảnh hưởng" và tạo nên hiệu ứng trong mạng xã hội.

Ngược lại, cũng nhanh chóng tiếp cận những khách hàng gửi hình ảnh tiêu cực về thương hiệu của bạn. Đưa ra các xử lý kịp thời để biến một tình huống tiêu cực thành tích cực.

Burberry đã tận dụng Facebook, Twitter và cả trang tiểu blog Sina Weibo để tăng cường sự hiện diện thương hiệu tại thị trường Trung Quốc.

Burberry đã sử dụng Twitter và Instagram khi tung ra bộ sưu tập và phát trực tuyến chương trình này trên kênh YouTube. Những khách viếng thăm hoặc like các hình ảnh bộ sưu tập đều có cơ hội sở hữu vé xem trình diễn hoặc những chuyến du lịch...

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Kích thích khách hàng đón đọc email của bạn

Nếu muốn trở thành một nhà tiếp thị thành công bằng email, bạn phải lôi cuốn được nhiều người đăng ký nhận tin mở đọc thông điệp của bạn. Rõ ràng, nếu người nhận không mở và đọc email của bạn thì làm sao họ thực hiện hành động mà bạn kỳ vọng?




Nếu bạn muốn đông đảo khách trên mạng luôn đón đọc email của bạn một cách thường xuyên thì hãy tham khảo những chỉ dẫn dưới đây.

Giải quyết vấn đề
Nếu biết rõ một bản tin tiếp thị điện tử định kỳ có thể giúp bạn giải quyết được vấn đề nào đó mà bạn đang cần giải pháp phù hợp nhất thì bạn sẽ đăng ký nhận bản tin ấy?

Nếu người gửi tin ngay từ đầu đặt ra một kỳ vọng cho bạn và cam kết rằng mỗi email sẽ hướng bạn đến cách giải quyết vấn đề thì bạn có từ chối đọc lấy các thông điệp ấy không?

Ví dụ điển hình về một doanh nghiệp thu hút được nhiều người đến với mình bằng cách khêu gợi ấy chính là Quibb – một website tin tức chuyên môn, cho phép mọi người chia sẻ những gì họ đã đọc được liên quan đến công việc của mình.

Nó còn giúp người nhận tin giải quyết được các rắc rối bằng cách đọc được các thông tin mới và tạo điều kiện cho các người đọc nhanh chóng bắt kịp những xu hướng đang diễn tiến trong lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn của họ.

Phương thức giải quyết vấn đề của Quibb đã giúp tỷ lệ mở thư trung bình của họ đạt đến mức tối đa là 70%.

Theo Hiệp hội Tiếp thị trực tiếp (DMA), đó là kết quả cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ mở thư điện tử tiếp thị trung bình hiện nay ở thị trường quảng cáo Bắc Mỹ (chỉ được 25,6%).

Tiết kiệm tiền bạc
Coupon và các email về “hot deal” khác thường tăng trưởng mạnh thông qua việc gửi đến bạn đọc những cơ hội tiết kiệm thực sự.

Tất nhiên, ai cũng sẵn sàng chi ra một khoản tiền nhỏ lúc này để được tiết kiệm cho một khoản tiền lớn khi khác, vì thế hẳn sẽ là một món quà lý tưởng và khó có thể cưỡng lại nếu khách hàng chỉ phải chi một khoản tiền nhỏ hôm nay để ngày mai nhận được phiếu giảm giá đến 50% khi ăn tối tại một nhà hàng sang trọng hoặc giảm 40% chi phí thay nhớt cho chiếc xe hơi của mình trong những ngày tới.

Tương tự, giới tiếp thị trong ngành hàng tiêu dùng có thể sử dụng các cụm từ lôi cuốn như “miễn phí”, “tiết kiệm”, “khuyến mãi” hay “giao hàng tận nơi miễn phí” trong dòng tiêu đề của bức thư quảng cáo.

Trên thực tế, không ít người được hỏi đã trả lời rằng họ quan tâm đến những lá thư ấy và lưu chúng trong hộp thư điện tử để nếu có nhu cầu mua sắm tại cửa hàng hay mua bán trực tuyến thì mở ra tra cứu.

Đối với từng đợt email tiếp thị, bạn hãy thử nghiệm các hình thức quảng bá khác nhau. Đôi khi, việc vận chuyển hàng miễn phí lại tỏ ra hiệu quả hơn giảm giá.

Trong những lần khác, việc tiết kiệm một số tiền nhất định, chẳng hạn giảm được vài chục ngàn đồng, lại trở nên rất hấp dẫn đối với nhiều khách hàng. Do đó, bạn nên thử nhiều dòng tiêu đề khác nhau để nắm bắt được sự phản ứng và hồi âm của khách hàng.

Giúp khách hàng hoàn thiện bản thân
Phần lớn chúng ta đều mong rằng qua mỗi ngày trong cuộc sống lại học được thêm những điều mới lạ và bổ ích.

Để hoàn thiện kỹ năng sống của mình, chúng ta luôn đón đọc thông tin từ báo chí và trên mạng, thậm chí nhiều người còn đăng ký những khóa học ngắn hạn.

Vì thế, không ít nhà tiếp thị đã biết tận dụng niềm khao khát hoàn thiện bản thân của các khách hàng bằng việc gửi đi những email hứa hẹn hỗ trợ hiện thực hóa khao khát ấy.

Ví dụ, email định kỳ phát ra ngày Chủ nhật của chuyên gia mạng xã hội Chris Brogan có mục đích giúp các độc giả trở nên thông thái và sáng tạo hơn trong cuộc sống của họ.

Trong một lá thư điện tử mới nhất của mình mang tiêu đề “Vỉa hè, cửa hàng và sân sau” nhằm chia sẻ về những cơ hội kinh doanh và cách thức để khách hàng tiềm năng tìm thấy những món hàng yêu thích với giá cả hợp lý, mạng xã hội của Chris Brogan đã đạt tỷ lệ mở thư lên đến 40%, nghĩa là có được một danh sách khách hàng tiềm năng lớn đến mức không ngờ.

Nếu bạn có ý định tập trung vào việc bán hàng thì hãy thử làm theo Chris Brogan: tạm gác việc bán hàng, chỉ gửi đến khách hàng vài nội dung thật sự bổ ích.

Giúp khách hàng giải trí
Một số email vận dụng cách thức khá đơn giản là bổ sung thông tin giải trí để tăng số lượng người đọc và doanh thu. Chẳng hạn, cuối năm 2012, MarketingProfs đã đính kèm một đoạn clip vui nhộn vào blog và email để quảng bá về diễn đàn B2B thường niên của họ.

Kết quả là họ đã bán được rất nhiều vé tham gia diễn đàn sau khi email có clip vui nhộn được truyền đi. Cần lưu ý là đoạn clip gửi đi nên đính kèm đường link dẫn đến website, cho phép chia sẻ thông tin và đăng ký nhận tin, nhờ đó bạn sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng tương lai hơn.

Bạn có thể tạo ra một email vừa mang tính giải trí, vừa giúp khách hàng tiết kiệm được tiền bạc hoặc thời gian. Tuy nhiên, mỗi email chỉ nên tập trung vào một trong bốn hướng đã nêu trên.

Hãy kiểm tra lại những thông điệp của email mà bạn mới gửi đi gần đây để thấy bạn đã biết khai thác được một trong bốn lý do khuyến khích độc giả mở đọc email của bạn hay chưa. Nếu câu trả lời là chưa thì đã đến lúc để bạn nên suy nghĩ lại về cách thức tiếp thị của mình.

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

3 chiều giao tiếp giữa bạn và khách hàng

Bạn đã lôi kéo khách hàng cùng bạn tham gia vào các hoạt động kinh doanh, hay làm cho họ tin rằng bạn đang thực sự lắng nghe cũng như coi trọng ý kiến của họ. Thực tế khách hàng sẽ ngày càng quan tâm tới sản phẩm/dịch vụ của bạn và coi thành công của bạn như thành công của chính họ vậy.


Giao tiếp khách hàng là một phân đoạn đặc biệt trong các hoạt động kinh doanh. Chắc hẳn nhiều người sẽ nói với bạn rằng giao tiếp là một con đường 2 chiều: bạn nói với khách hàng, sau đó lắng nghe những gì họ nói. Tuy nhiên, trên thực tế giao tiếp có 3 chiều.

1. Bạn đề ra những thông điệp kinh doanh của mình và phân bổ nó tới khách hàng thông qua nhiều cách thức khác nhau, ví dụ như những nhân viên bán hàng, qua hệ thống truyền thông đại chúng, bằng các website, các sự kiện tài trợ, chính sách hay bản tuyên bố dịch vụ… (Đây là sự thể hiện, truyền đạt).

2. Những thông điệp của bạn sẽ được đón nhận – hay khách hàng nhận được một thông điệp nào đó (Đây là sự lĩnh hội).

3. Khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng của bạn phản ứng lại trước những gì họ được biết về bạn (tuy chưa hẳn đã đúng với chủ đích bạn đề ra ban đầu) và đây là lúc khách hàng cho bạn thấy liệu họ có quan tâm đến bạn không.

Với ba bước trên, giao tiếp được tiến hành theo công thức sau: Biểu lộ + Lĩnh hội = Giao tiếp. Nếu bỏ qua bước 2 - những gì khách hàng nhận được và lĩnh hội - bạn có thể không bao giờ hiểu được chuyện gì đã xảy ra sau khi tiến hành bước 1 và điều gì dẫn đến bước 3.

Bạn hãy để giao tiếp được cởi mở, qua đó bạn luôn lắng nghe các khách hàng của mình. Đừng đơn thuần chỉ gửi đi các thông điệp một chiều. Những phản hồi và bình luận từ phía khách hàng sẽ có tác động rất lớn đến cách thức bạn tiến hành các hoạt động kinh doanh, đề ra các chính sách và tạo ra các sản phẩm. Khi lắng nghe các thông điệp đó, bạn sẽ có được những công cụ cũng như kế hoạch phù hợp cho phép bạn phản ứng kịp thời với mọi thay đổi trên thị trường.

Nếu bạn kinh doanh trong một lĩnh vực thường xuyên tiếp cận với khách hàng như dịch vụ bán lẻ, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ, bán hàng trực tiếp… điều đầu tiên mà khách hàng nhìn nhận ở bạn sẽ là cách thức mà bạn tiến hành các hoạt động kinh doanh thường nhật. Trong trường hợp này, bạn không chỉ trò chuyện, mặt đối mặt với khách hàng, mà bạn còn có thể thực sự thấu hiểu việc khách hàng nhìn nhận về bạn như thế nào thông qua ngôn ngữ cơ thể mà họ thể hiện khi đến công ty bạn. Khi nói chuyện, nhìn và lắng nghe khách hàng, họ có thể đang giao tiếp với bạn thông qua một vài ngôn ngữ cơ thể truyền thống:

- Họ tiếp xúc với bạn bằng tay: Bạn nghĩ rằng đây là cử chỉ của sự quý trọng hay thân thiện? Thực tế không hẳn như vậy: có thể do bạn không chú ý đúng mức đến khách hàng và họ buộc phải làm điều này để được bạn quan tâm hơn.

- Tay vắt sau lưng: Khách hàng đang giao tiếp với bạn bằng thái độ của kẻ bề trên hay cảm thấy không vừa ý: chắc hẳn bạn đã làm điều gì đó khiến khách hàng phật lòng.

- Khoanh tay trước ngực: Đây là dấu hiệu cho thấy khách hàng đang khép mình với bạn, họ không quan tâm đến việc lắng nghe những gì bạn nói: dường như bạn đã mất họ.

- Nhíu lông mày: Một cái nhìn ngạc nhiên và khó hiểu, nhưng chưa chắc là khách hàng không tin tưởng bạn.

- Chỉ tay: Một biểu hiện khá rõ ràng! Khách hàng đang buộc tội bạn, thậm chí cả khi họ đang nở nụ cười.

Không một cử chỉ nào trong số các cử chỉ trên thể hiện sự tích cực và rõ ràng bạn cần phải thực thi ngay một vài hành động thích hợp nào đó. Lắng nghe khách hàng, biết rõ họ sẽ phản ứng như thế nào luôn là một công cụ hữu hiệu khi bạn muốn các sản phẩm hay kế hoạch xúc tiến kinh doanh, cũng như chính sách hoạt động của mình trở nên hiệu quả hơn.

Nếu bạn không có nhiều cơ hội gặp gỡ khách hàng, đã có một vài công cụ khác mà bạn có thể sử dụng để đảm bảo rằng những gì khách hàng nói luôn được lắng nghe một cách đầy đủ nhất. Nhiều công ty sử dụng các bảng câu hỏi điều tra để tìm hiểu những yêu cầu, khó khăn, vướng mắc của khách hàng. Khi bạn sử dụng các bản tin, thiệp mừng sinh nhật, chương trình thưởng hay thư điện tử tiếp thị, nghĩa là bạn đã bắt đầu đi trên con đường 3 chiều trong giao tiếp với khách hàng. Hãy nhớ rằng con đường 3 chiều đó là: Biểu lộ + Lĩnh hội = Giao tiếp.

Bạn cũng có thể sử dụng những công cụ như vậy để mời khách hàng tham gia vào nhóm Research and Development (Nghiên cứu và phát triển) của bạn. Nhưng làm thế nào để các khách hàng thực sự tham gia vào hoạt động R&D như vậy? Điều này có thể dễ dàng được thực hiện nhờ thư điện tử hay mục góp ý trên website của bạn. Các nhóm R&D đó có thể đem lại cho bạn nhiều lợi ích, trong đó phải kể đến:

1. Một tập thể R&D hình thành từ những khách hàng sẽ cho phép bạn thử nghiệm các kế hoạch cho sản phẩm mới, xúc tiến kinh doanh, chính sách hoạt động, giá cả….

2. Một tập thể R&D sẽ cung cấp cho bạn những ý tưởng mới liên quan đến bất kỳ vấn đề nào kể trên. Biết đâu chừng một ý tưởng vĩ đại nào đó sẽ xuất hiện!

3. Nếu tập thể R&D biết rằng bạn coi trọng những phản hồi từ họ, họ sẽ tiếp tục đem lại cho bạn những thông tin chân thật và mang tính xây dựng nhiều hơn, chứ không đơn thuần chỉ điền vào bản điều tra một cách máy móc.

4. Nếu bạn biết cách tận dụng hoặc có phần thưởng thích hợp cho các ý kiến đóng góp của khách hàng, bạn sẽ đem lại cho họ những cơ hội để thể hiện bản thân, một điều mà tất cả chúng ta phải mất nhiều thời gian mới thực hiện được.

5. Điều này sẽ tạo ra sự trung thành ngày một lớn hơn từ phía khách hàng, và kết quả là khách hàng sẵn lòng xúc tiến hoạt động kinh doanh giúp bạn, họ trở thành những nhân viên bán hàng không chính thức hay thậm chí là “những người truyền giáo” cho bạn.

Tóm lại, con đường 3 chiều của giao tiếp giúp bạn lôi kéo khách hàng cùng bạn tham gia vào các hoạt động kinh doanh, làm cho họ tin rằng bạn đang thực sự lắng nghe cũng như coi trọng ý kiến của họ. Nhờ đó, khách hàng sẽ ngày càng quan tâm tới sản phẩm/dịch vụ của bạn và coi thành công của bạn như thành công của chính họ vậy